Thursday, May 21, 2015

NAM THẠNH LẦU & KIM SƠN LẦU, TIỆM ĂN TRỨ DANH CỦA NGƯỜI XƯA PHAN THIẾT

Phan Thiết từ xa xưa đã có nhiều sản vật, công trình, cơ sở nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc tồn tại đến ngày nay. Nam Thạnh Lầu, Kim Sơn Lầu là hai trong niềm tự hào đó của người Phan Thiết.
Tạo cơ nghiệp
Những năm đầu của thế kỷ 20 khi những người Hoa đầu tiên đặt chân đến Phan Thiết đã lập phố lập phường ở cửa sông Phú Hài bắt đầu chuyển dần về khu vực Đức Nghĩa theo chủ trương phát triển đô thị của chính quyền bảo hộ Pháp, thì ở khu vực bến xe gần chợ Phan Thiết, xuất hiện một quán ăn nhỏ của một gia đình người Phúc Kiến chỉ bán những món ăn truyền thống của người Hoa bản xứ. Với những người Hoa tha hương lập nghiệp, mặc dù hết sức tằn tiện nhưng họ vẫn tới quán ăn một tô mì, uống một chén canh để ủng hộ đồng hương và tìm lại chút không khí của quê nhà nơi đất khách, trong khung cảnh quán nghèo thời ấy.
Nhờ sự giúp đỡ, ủng hộ của đồng hương, quán nhỏ của cha con ông già người Phúc Kiến dần dần phát triển từ một bàn ăn lên hai rồi ba bàn. Được vài năm người cha bắt đầu già yếu nên người con trai cả là Hai Mọi đứng ra thay cha quán xuyến công việc.
Vốn là người thông minh, lại có năng khiếu nấu nướng, không những nấu ngon các món ăn của người Hoa do cha truyền dạy mà Hai Mọi còn nấu được các món ăn của người Việt, nhất là những món mà người dân xứ biển ưa thích nên dần dà quán ăn của Hai Mọi đã có người Việt và người Tây vào ăn.
Khoảng năm 1925, khi quán đã bắt đầu đông khách, ông Hai Mọi sửa sang lại quán, làm thêm căn gác và đặt tên quán ăn của mình là tiệm Nam Thạnh Lầu. Tiệm của ông Hai Mọi ngoài các món ăn truyền thống của người Hoa và người Việt, ông đã sáng tạo ra món cơm cháy chiên dòn ăn kèm nước sốt và nấu món sườn lăn bột ngon đến mức nhiều người Pháp trong chính quyền Bình Thuận thời đó đã mời ông đến để nấu món này khi họ tổ chức đại tiệc. Hai món ăn này cũng là nét riêng độc đáo mà con cháu ông Hai Mọi vẫn gìn giữ cho đến ngày nay.
Tiếp nối
Năm 1935 người con trai thứ năm của ông Hai Mọi là ông Đinh Văn Ngọ vốn là đầu bếp chính cho tiệm Nam Thạnh Lầu khi đó đã lập gia đình và xin ra riêng. Ông Hai Mọi đã cho con trai mình số tiền là 5.000 đồng bạc Đông Dương để làm vốn.
Năm Ngọ bỏ ra 4.000 đồng để sang lại ngôi nhà ở gần tiệm của cha ( nay là số 58 Nguyễn Thị Minh Khai ) để mở tiệm cơm và lấy thương hiệu là Kim Sơn Lầu.
Là người có tài nhất trong số hơn mười người con của ông Hai Mọi, Năm Ngọ đã một tay gần dựng cơ nghiệp của riêng mình và phát triển thương hiệu Kim Sơn Lầu nổi tiếng không kém thương hiệu của cha.
Đến năm 1942, ông Hai Mọi khi ấy đã trên 60, sức khỏe suy yếu, nên giao lại tiệm cơm Nam Thạnh Lầu cho người con trai thứ mười của mình là ông Đinh Văn Thân. Không phụ lòng cha, ông Mười Thân đã phát triển tiệm cơm Nam Thạnh Lầu trở thành một trong những tiệm ăn lớn nhất Phan Thiết trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu khi quân đội Mỹ vào miền Nam.
Giữ gìn thương hiệu
Khi ông Mười Thân già yếu thì giao lại tiệm cơm Nam Thạnh Lầu cho con trai là ông Đinh Văn Học. Hiện nay, con gái của ông Đinh Văn Học là bà Đinh Thị Nghiêm đang tiếp nối thương hiệu và nghề của cha ông để lại.
Riêng tiệm Kim Sơn Lầu, mặc dù có hơn mười người con và nhiều người cũng từng phụ việc làm bếp nhưng ông Năm Ngọ lại giao thương hiệu Kim Sơn Lầu cho người con gái của mình là bà Đinh Thị Nhơn, người mà ông biết rõ có thể thay ông nấu những những món ăn ngon nhất của Kim Sơn Lầu.
Bà Nhơn lập gia đình cùng ông Lý Trường Tiền gốc người Hải Nam vốn là đầu bếp trước đó của tiệm cha mình. Với sự đã kết hợp đa dạng các món ăn của người Phúc Kiến và người Hải Nam, đặc biệt chỉ sử dụng đầu bếp là người gia đình chứ không thuê thợ ngoài, nên tiệm cơm Kim Sơn Lầu dưới thời của vợ chồng bà Nhơn có nhiều món ăn đặc sắc và ngon hơn các quán ăn khác.
Hiện nay thương hiệu Kim Sơn Lầu được bà Nhơn giao lại cho con gái mình là bà Lý Thị Mỹ. Riêng người con trai cả của bà Nhơn là ông Lý Hoàng Cương, trước đây cũng là người đứng bếp chính của Kim Sơn Lầu, tách ra riêng mở quán ăn mang tên Kim Anh Quán vào năm 1992. Tiệm cơm Kim Anh Quán của ông Cương hiện cũng là một trong những tiệm ăn ngon, thu hút rất đông người dân địa phương và du khách khi đến Phan Thiết.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lý Hoàng Cương nói ông tự hào là một thành viên của một gia đình lớn có bề dày hàng trăm năm phục vụ ẩm thực cho người dân Phan Thiết. Ông Cương cũng cho biết, dù thế hệ ông hay các thế hệ sau nữa, các thành viên trong gia tộc ông cũng sẽ cố gắng gìn giữ và phát huy truyền thống đáng tự hào của cha ông mình từ xưa để lại.
Lê Huân
Chú thích ảnh:
1,2/ Tiệm cơm Kim Sơn Lầu năm 1967
3/ Ông Đinh Văn Ngọ ( Năm Ngọ ) người sáng lập tiệm cơm Kim Sơn Lầu

Duyên người răng đen


Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Trăm quan mua lấy miệng cười

Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen
Răng đen ai nhuộm cho mình
Để duyên mình đẹp, cho tình anh yêu


Phong tục nhuộm răng của Việt Nam hiện hữu từ rất lâu, từ thời thượng cổ đã có và chỉ mai một vào khoảng cuối thế kỷ 19 khi văn minh Tây phương du nhập vào văn hoá phong tục của nước nhà. Lệ thần Trần Trọng Kim đã mô tả nhân dáng diện mạo tổng quát về người Việt trong cuốn Việt Nam Sử Lược như sau:

"Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn lẳn con người, chứ không to béo. Mặt thì xương xương, trông hơi bèn bẹt, trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng điệu đi đứng thì nhẹ nhàng và xem ra bộ vững vàng chắc chắn."

Theo đoạn trên thì răng của người Việt vốn to (nhưng vẫn còn nhỏ so với các sắc dân khác) lại hay nhuộm đen. Trần Trọng Kim không giải thích tại sao người Việt xưa lại có tập tục nhuộm cho răng đen nhưng chúng ta cũng có thể hiểu tập tục đó không ngoài mục đích làm đẹp, thẩm mỹ.

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua


Cũng giống như tục xâm mình, đeo khoen tai hoặc sơn móng của ngày nay. Ngày xưa thay vì lấy sơn phết lên răng cho có màu xanh vàng tím đỏ như các bà các cô sơn lên móng tay móng chân thì người ta dùng một hỗn hợp bột cánh kiến (chất nhựa bám trên cây), nước cốt chanh và lá cau để nhuộm cho răng đen lánh. Khi mở miệng nhoẻn cười tươi thì người đối diện cảm thấy đáng yêu, duyên dáng. Còn con thít thì khóc thét lên vì tưởng người nhuộm răng không còn hàm răng vì trong miệng tối thui, răng môi miệng lưỡi hoà quyện với nhau trong một màu không phân biệt được.

Học giả Phan Kế Bính đã đặt câu hỏi về tục nhuộm răng trong tập sách "Việt Nam Phong Tục", đăng báo lần đầu tiên năm 1914 như sau:

"Sự đẹp xấu ở trong hàm răng, cũng tùy theo cái mắt quen nhìn, dẫu trắng dẫu đen, không hề chi cả. Duy một điều, chất nó trắng, cứ theo tính tự nhiên mà để trắng cũng được, hà tất phải sinh sự lôi thôi cho khó nhọc?

Có người nói rằng: nhuộm răng không cốt gì làm cho đẹp, nhưng cốt để cho khỏi sâu răng, cho được chắc chắn chân răng. Nói vậy vị tất đã phải, vì chán người nhuộm răng mà vẫn sâu răng. Muốn cho khỏi sâu thì chi bằng mỗi bữa ăn xong, phải xỉa cho sạch, hoặc chải cho kỹ, đừng để đồ ăn giắt vào chân răng thì không bao giờ sâu được.

Song tục quen đã lâu, đàn ông trắng răng thì chẳng sao, chớ đàn bà nhà tử tế bây giờ mà trắng răng thì coi cũng ngộ một đôi chút. Nhưng lâu dần cũng phải quen mắt, có lẽ quen mắt rồi thì trắng lại đẹp hơn đen nhiều."

Nhác trông thấy bóng một người
Răng đen nhưng nhức, miệng cười như hoa
Hai bên còn cả mẹ cha
Có ai gánh đỡ hay là còn không?
Đây còn không, đấy cũng còn không
Đây chưa có chồng, đấy chửa lấy ai


Để ôn cố tri tân cho cái tập tục lỗi thời đã từng là thời trang của một thuở yêu người. Mời các bạn đọc lại cách nhuộm răng của người xưa do Phan Kế Bính chép lại. Xin chú ý ngày nay để bảo đảm an toàn vệ sinh sức khoẻ, các bạn chỉ nên gặp nha sĩ khi muốn có hàm răng đẹp, trồng răng, nhổ răng, trám răng, niềng răng, hút mỡ răng...í lộn hút chân răng.

"Con trai con gái chừng mười tuổi trở lên, rụng hết một lượt răng sữa, mọc đủ răng khác rồi thì nhuộm răng. Cách nhuộm răng trước hết dùng cánh kiến tán cho nhỏ, vắt nước chanh để kín bảy ngày, rồi chờ tối đi ngủ thì phết thuốc ấy vào hai mảnh lá dừa hoặc lá cau mà ấp vào hai hàm răng. Trong khi nhuộm phải kiêng nhai, ăn cái gì phải nuốt, vì sợ nhai thì nó lại phai thuốc ra. Nhuộm như thế độ dăm bảy hôm, cho răng đỏ già ra mùi cánh gián, thì bôi thuốc răng đen mà nhuộm.

Thuốc răng đen làm bằn phèn đen trộn với cánh kiến, nhuộm một hai miếng là đen kịt lại, đoạn lấy cái sọ dừa để lên con dao mà đốt cho chảy nhựa ra, rồi lấy nhựa ấy phết vào răng cho không phai ra được nữa, gọi là giết răng, từ đó ăn không phải kiêng nhai nữa.

Đàn ông nhuộm một hai lần thì thôi, đàn bà thường mỗi năm một lần nhuộm; vì đàn bà lấy răn đen nhánh làm đẹp cho nên có người nhuộm mãi đến ngoài ba mươi tuổi mới thôi"


Đắc Xuyên Gia Khang FB

Monday, May 11, 2015

Đại Úy Võ Bình Khóa 24 SQTB/TD

 Nguyễn Đình Mạnh 71, Anh Chị Võ Bình 11, Võ Văn Hương 71, 
Huỳnh Văn Trung 71, Phan Đông 71
Đám cưới anh Võ Bình củng là Tiến Hội Ngộ của Đại Hội 2 Nha Kỹ Thuật 

 Anh Chị Võ Bình, Chị Nguyễn Đa K24TD, Huỳnh Văn Trung và Giáp Tý

 20 năm Hội Ngộ Nha Kỹ Thuật Võ Bình hàng đầu bên tay trái 

 Phạm Linh CD2, Anh Chị Võ Bình, Anh Chị Lưu Văn Khiết, 
Nguyễn Hùng Anh và Nguyễn Văn Hòa 11

 Anh Võ Bình và anh Nguyễn Hải Triều 

Anh Vũ Ngọc Doanh và anh Võ Bình

Thursday, May 7, 2015

Lê Thị Ý: Tác giả ‘ngày mai đi nhận xác chồng’


 
Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe.Nhà thơ Lê thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị.

Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954.

Nhân dịp từ Virginia đến California ra mắt tác phẩm mới tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt, bà đã dành cho biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái cuộc nói chuyện thân mật sau đây.

-ÐQAThái: Tình khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu”, thơ của bà, Phạm Duy phổ nhạc; tựa đề khởi thủy của bài thơ là gì ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc bấy giờ vào năm 1970, tôi viết 10 bài thơ trong tập thơ “Mười Bài Thương Ca”; bài mà Phạm Duy phổ thành ca khúc là “Thương Ca 1”.

-ÐQAThái: Phải chăng chính bà là người góa phụ đi nhận xác chồng trong bài thơ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: (cười thoải mái) Không. Cho tới bây giờ tôi vẫn độc thân.

-ÐQAThái: Vậy, bà lấy cảm xúc từ đâu để viết nên bài thơ bất hủ này?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình.

-ÐQAThái: Bài “Thương Ca 1”, Phạm Duy phổ nhạc, ngay khi được phổ biến, đã chiếm tâm hồn người nghe. Nhưng cũng có người lên án bài này “phản chiến”; bà nghĩ sao ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi tôi làm thơ, tôi xúc cảm thế nào thì tôi viết ra như thế. Thế thôi. Tôi không nghĩ gì khác cả. Bài thơ được phổ biến cũng là một sự ngẫu nhiên.

Một người bạn của anh Vương Ðức Lệ tôi đến nhà chơi, thấy bài thơ bèn đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh - người trụ trì sinh hoạt “Ðàm Trường Viễn Kiến” ở nhà cụ tại Sài Gòn quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo - Cụ Quỳnh đọc, thấy hay bèn đưa cho ông Phạm Duy phổ nhạc. Cho nên, bài thơ của tôi được mọi người thương hoặc cho là phản chiến thì cũng là việc tình cờ thôi, may mắn thôi, chứ tôi không chủ ý trước việc phổ biến bài thơ.

-ÐQAThái: Khi phổ thành ca khúc, hình như Phạm Duy có sửa vài lời trong bài thơ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Ðúng vậy. Có lẽ ông Phạm Duy sửa vài chữ cho nó hòa hợp với âm điệu bài nhạc hơn. Có câu ông Phạm Duy cắt bớt. Thí dụ câu tôi viết, “Chiếc quan tài phủ cờ màu, hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng” thì Phạm Duy sửa thành “Bây giờ anh phủ mầu cờ” và cắt đi câu thơ kế tiếp.

-ÐQAThái: “Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng”, tại sao lại phũ phàng ạ?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi đau đớn thì cái gì cũng phũ phàng cả. Phũ phàng là hình ảnh đau đớn, quằn quại.

-ÐQAThái: Khi nhạc sĩ Phạm Duy đổi chữ và cắt bớt câu thơ như vậy, là tác giả, bà có thấy mất đi nguyên ý khi cảm xúc sáng tác không?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi không nghĩ gì và cũng không thắc mắc, không để ý chuyện đó, vì khi tôi làm thơ, tôi theo vần điệu của thơ, còn ông Phạm Duy làm nhạc thì ông cảm hứng theo nốt nhạc.

-ÐQAThái: Hỏi câu này bà thứ lỗi cho, bà có người yêu là lính không?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: (ngập ngừng..., cười) Chắc cũng phải có chứ ạ!

-ÐQAThái: Bài thơ “Thương Ca 1” do bà sáng tác và Phạm Duy phổ nhạc, đã từ lâu trở thành của quần chúng. Nghĩa là, người ta hát say sưa mà không còn nhớ tới tên tác giả. Nếu tình cờ, ở một nơi chốn nào đó, bỗng nhiên nghe có người hát, có người nói tới bài thơ này, tâm trạng của bà sẽ ra sao?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi vui chứ ạ. Vì tôi thấy tôi may mắn có người biết đến thơ của mình; mà thực sự khi làm thơ, tôi làm vì tôi thấy cần làm thôi, chứ không mang ước vọng có con mắt nào đó để ý đến thơ mình (cười).

-ÐQAThái: Bà có thể đọc cho nghe nguyên văn bài “Thương Ca 1”.

-Nhà thơ Lê Thị Ý:

“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”

-ÐQAThái: Nếu dùng thơ để kết thúc cuộc phỏng vấn này, bà sẽ chọn những câu thơ nào?

-Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi muốn dùng hai câu thơ cuối của bài “Thương Ca 1” là “Mùi hương cứ tưởng hơi chồng, nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai”, để nói lên tâm trạng người góa phụ trong chiến tranh, trong nỗi đau tận cùng, cảm xúc như mình vẫn còn người mình yêu.
-ÐQAThái: Cám ơn bà đã nhắc nhớ lại một bài thơ bất hủ nói lên nỗi đau của con người và đất nước Việt Nam thời còn chinh chiến.

NKT 40 năm nhìn lại (Hồi 1)




“Florida mùa này biển lặng,

Xin mời anh một chuyến về thăm…”

 Gọi mời thì dễ, nhưng mà muốn thực hiện một chuyến đi về thật không dễ, dù rằng cũng rất muốn.

 Đại hội NKT năm nay (2015) được tổ chức tại Orlando, Florida. Cũng ì ạch bao phen mới quyết tâm thực hiện. Một số anh, từ ĐH11/NKT tại San Jose, Ca. rất hớn hở, hân hoan đón nhận để đem về tổ chức tại tiểu bang mình (Florida). Nguyễn lâm Viên, Nguyễn Dựt, có thêm lão tiền bối Huỳnh thanh Nhơn ủng hộ, rất quyết tâm đem về cho bằng được, làm thêm một lần Đại hội tại vùng biển xanh nắng ấm - một địa danh du lịch nổi tiếng thế giới, ai mà chẳng thích.

 Thế rồi, “bào thai” cưu mang đã trên 5 tháng, “đứa con” vẫn chưa sẵn sàng chuẩn bị để chào đời, cứ lần lượt mãi hầu như muốn dìm thai nhi trong trứng nước. Trở ngại nhân sự? Kể ra thì cũng có sự hổ trợ, đôn đốc từ TH/NKT cùng một số anh em một số nơi.


Bây giờ, mọi sự đều tốt, là giai đoạn gởi “Thiệp Mời” ACE cùng quan khách từ các nơi xa gần về cùng chung vui tham dự.


Năng nổ cũng có, mà ái ngại cũng không phải là không. Đường xa không sợ, cực nhọc không màng, và bão táp chẳng từ nan, mà chỉ vì tài chánh eo hẹp. Tổ chức mùa lễ hội lại nhằm dịp hè. Mà “hè” là giá vé máy bay lên vùn vụt. Một số anh em không thể đi vì không kiếm đủ tiền.


Nguyễn văn Ẩn, Đinh hồng Liên hầu như tổ chức nào cũng sẵn sàng đến dự. Tham dự cùng anh em để “nhậu” và vui chơi là chuyện thường tình, để đấu láo, vung vít về chuyện sinh hoạt đơn vị từ thời xửa thời xưa. Bạn bè vắng xa bây giờ mong gặp. Bao nhiêu thứ chuyện và bao nhiêu là tâm tình để lúc “rượu vào lời ra” cho phỉ tình phỉ chí…


Một bữa tiệc tại nhà Lê Hoàng (Hayward, Ca.) ngày 25/4/2015, anh chị em đến dự cũng khá. Có tiết mục bàn về việc đi dự ĐH. Họp mặt anh em và có thể có một chuyến đi thăm vườn cây ăn trái nổi tiếng, người Việt mình thực hiện và làm ăn nên nổi nơi xứ người. Chuyện cũng chẳng đi đâu vào đâu vì cũng lắm trở ngại.


Bàn việc đi tham dự ĐH 12/NKT, Đinh hồng Liên và Nguyễn văn Ẩn cũng quyết tâm đi, nhưng mà dự định phải xuống Nam Cali để xin tháp tùng với Lê tinh Anh đi một lộ trình trên 3,000 miles bằng xe móc hậu kéo theo tượng đài BK/NKT. Thời gian đi và về phải mất cở 2 tuần. Thật sự là những tấm lòng rất đáng ca ngợi.


Hoàn cảnh cũng quá khó, vì còn thời giờ phải đi làm lo cho cuộc sống. Hai đứa đã cảm thấy hoang mang lo lắng.

 Nốc cạn phần rượu còn lại trong ly, cùng nhau “dzô”, tôi hứng chí: Bây giờ xin có ý kiến thế này: một thằng em tốt, có lòng, muốn đi mà không lo đủ tiền cho một vé máy bay (500 đô). Bây giờ, Ẩn! Chú mầy cố lo phân nữa vé (250 đô) được không? Còn phân nữa, mình sẽ kêu gọi anh em tiếp sức. Phần tôi xin giúp 50 đô. Còn các anh em khác, có ai xin giúp “thằng em”???  Nguyễn đình Tùng, Trần quyết Thắng đưa tay sẵn sàng, mỗi đứa 50 đô. Được 150 rồi. Còn 100 nữa. Ai? Nguyễn quốc Anh Tuấn từ cả năm nay bệnh hoạn, nay cảm thấy khỏe, đến tham dự cùng anh em, nhưng đi dự đại hội thì không thể. Ẩn ngó qua cầu cứu - cầu cứu một tên bệnh – 100 đô đại ca? Tuấn gục gặt cái đầu và tươi cười nữa miệng. OK, 100 nữa là đủ ½ vé. Còn lại, Ẩn phải ráng lo. Thế là cùng vổ tay chúc mừng, và Lê Hoàng vào bàn computer book vé.

 Còn lại một đứa, lẻ bạn đi xuống Nam Cali để tháp tùng theo xe “rờ mọt”. Đinh hồng Liên cũng cảm thấy cô đơn?

 Ngày hôm sau, Thuận bắc Ca. vận động bằng gọi phone tìm “Mạnh thường Quân”. Sau 5 cú gọi trong buổi sáng ngày chúa nhật, Thuận cũng mang về 600 đô để giúp người bạn mình, và book ngay cho Đinh hồng Liên vé đi dự ĐH. Ai cũng vui, kể cả những người mở hầu bao ra chi đẹp: Phạm sĩ Khanh, Chung tử Ngọc, Trần quyết Thắng (cũng lại TQT), Võ Hòa, Nguyễn bác Ái, kể cả Thuận Bắc Ca. Các chiến hữu thể hiện một cái “tình” – tình bạn, tình chiến hữu, tình đồng đội… tình nghĩa với nhau. Ngày xưa là sát cánh nhau đi vào chốn hiểm nguy sống chết. Rồi lưu lạc, rồi nổi trôi… vẫn giúp nhau khi có ai đau ốm bệnh hoạn - hoan hôn tang khó.

 “NKT, 40 năm nhìn lại” – giai đoạn thất tán, họp tan, kể từ ngày mất nước - Một chủ đề cho kỳ đại hội NKT lần thứ 12 thật là ý nghĩa.

 Bài phóng sự hứa hẹn sẽ còn dài. Đây là hồi thứ nhất. Sẽ có cả bao chuyện vui buồn, đau thương, phẩn hận…  của những kỳ kế tiếp.

Cuối tháng 4/2015 – Ng. Dẩn SJ.

Nha Kỹ Thuật 40 năm nhìn lại (Hồi 2) Dĩ hòa vi quí


Bài viết theo ý nghĩ và nhận định cá nhân, không ngoài mục đích xây dựng. Tuy nhiên, có thể không tránh khỏi phiền lòng, phật ý. Nếu ai có sự quan tâm, xin đọc hết bài. Bằng không, có thể delete. Và cũng mong có sự góp ý thẳn thắng.
Kính thưa: “Dĩ hòa vi quí” là một đức tính tốt, thể hiện tính nhân hậu của dân ta từ xưa nay. Người VN với truyền thống hiếu hòa không hiếu chiến.
Vậy mà, một dân tộc nói chung, và từng nhóm hoặc cá nhân nói riêng vẫn cứ phải “chiến đấu” chống trả để được sinh tồn. Nếu không, là đã bị diệt vong, không thể nào tồn tại. Bao sự việc qua dòng thời gian lịch sử đã chứng minh.
Bây giờ, xin trở lại đức tính “dĩ hòa vi quí” trong phạm vi hạn hẹp: bạn hữu, gia đình, chòm xóm, đơn vị v.v… những người cùng gần gũi và sinh hoạt liên hệ cùng nhau.
Xin nêu lên một vài thí dụ:
1)- Hai người sống lân cận. Ông A cứ tham lam lấn chiếm: lấn ranh, lấn đất, lén lút cướp phá tài sản của cải, bêu xấu, luôn tìm cách hãm hại ông B. Ông B vẫn cố nhịn. Nhưng, cái tật và tính tham không chừa, ông A vẫn cố tìm cách lấn lướt. Bà con cố giải hòa và khuyên nhủ: -Thôi, ông A xấu có người biết, có ngày trời sẽ phạt nó. Cứ nhịn, cứ “dĩ hòa vi quí” là hơn.
2)- Hai người bạn cùng đơn vị. Một người bần tiện xấu xa, lúc nào cũng muốn được phần mình (các thứ), chơi xấu, phản bạn, luôn tìm cách dẫm đạp lên bạn mà vươn lên, thậm chí không ngần ngại hãm hại… Can thiệp, giải hòa mà vẫn không xong, vì anh kia tính nào tật ấy. Người ta lại góp ý: -thôi kệ nó, một câu nhịn, chín câu lành, đừng chống lại nó làm chi. Hãy nên bỏ qua cho em chuyện. “Dĩ hòa vi quí”.
Hai sự việc nêu trên đây chỉ là thí dụ đơn thuần. Chứ thật ra, những chuyện như vậy thì nhiều, nhiều lắm. Đủ loại, đủ hạng, đủ thứ, đủ trò. Tập thể nào cũng có… và cứ thế, xãy ra liên tục, triền miên… Thì thử hỏi: giải quyết bằng cách: “một câu nhịn, chín câu lành”, và “dĩ hòa vi quí” có êm thắm được không?
Đơn vị NKT của chúng ta là một tập thể, không thể ra ngoài những tập thể xô bồ và hổn độn như vừa nói. Nói rằng “đoàn kết” và lúc nào cũng chủ trương đoàn kết, phải biết thương mến nhau. Nhưng mà thật sự đã có đoàn kết tốt chưa? Nếu có như thế chăng cũng chẳng qua là “gượng gạo” và “giả tạo”. Ở đây, nếu thấy nhận xét như vậy là không đúng, là sai. Xin góp ý.
Mang cái tính “gượng gạo, giả tạo”, để rồi từ bao năm anh em chúng ta gượng mà vui. Gượng mà tự hào. Thật sự thì cũng có một đôi lúc đoàn kết, nhưng mà cũng chỉ là “cục bộ”, “tạm thời” và theo từng phe nhóm. Để rồi chúng ta có nhiều lúc lại hoang tưởng, tự hào là một đại đơn vị đoàn kết. Một đại gia đình QĐ rất mến thương nhau - Để báo cáo trình diễn, để phô trương bằng hình thức, để khoe khoang?
“Dĩ hòa vi quí” cũng chỉ là phương cách “cả vú lấp miệng em”, khuyên răn, giải quyết cho qua chuyện để rồi vẫn “đâu vào đấy”, mà chắc chắn là không giúp giải quyết hoặc hòa giải cho rạch ròi tới nơi tới chốn trước mọi vấn đề.
Xin nêu thêm thí dụ: (bằng những chuyện đã có, nhưng tôi xin muốn không nêu tên ám chỉ):
-Anh A biết anh B làm sai: vì cao vọng, vì muốn tỏ “ta đây”… vì bao thứ xấu xa bỉ ổi… Anh A phê phán vạch trần, thì anh B lồng lộn trả đủa… Phải, trái gì, không cần tìm hiểu, không cần biết, một vài người có lời khuyên giải: - Thôi kệ, đừng bươi móc làm gì, thêm xấu xa đơn vị, thêm bất hòa (mất đoàn kết). Hãy nên bỏ qua, và nhẫn nhịn, dĩ hòa vi quí.
Từ lời khuyên giải, ta thử hỏi: - khuyên giải mà không chịu tìm hiểu ngọn ngành, phải trái, chỉ để muốn giải hòa cho êm chuyện. Thì như vậy, chuyện có thực sự “êm” không? Có chính đáng và tốt đẹp, công tâm, công bằng không? Hay vô tình dung dưỡng bao che cho kẻ xấu xa tính nào tất ấy. Vẫn không chừa? Lại nữa, nếu người “được khuyên” mà không chịu nghe theo (bỏ qua) có thể bị kết tội là cố chấp, hẹp hòi, không rộng lượng?
Có áp chế và thiếu công tâm, công bằng không? Một khi ta “vô tình” khỏa lấp và dung túng, bao che cho kẻ xấu? Và ta lại được tiếng (tốt) là góp phần hòa giải để cho sự việc trở nên êm thắm (tạm bợ?) Thay vì cố tìm hiểu rõ mọi việc, tõ rõ ngọn ngành, khi đó sẽ mạnh dạng đưa ra đúng sai sáng tõ?
Phần đông ta không làm thế. Muốn khỏa lấp mọi sự cho êm. Và thiết nghĩ: chính cái “khỏa lấp” cho êm, cho đừng dấy động – mà “khối u” đơn vị không lành, vẫn cứ tiếp tục di căn.
Theo chủ đề của đại hội năm nay: “Nha Kỹ Thuật 40 năm nhìn lại”. Từ đó, tôi xin mạo muội có ý nghĩ và đặt vấn đề:
Đơn vị NKT chúng ta từ lâu đã là một đơn vị nổi tiếng, một tập thể QĐ lừng danh? Vâng! Tiếng tăm, lừng danh là có thật. Với thành quả, với chiến công, với những cá nhân chiến hữu gan lì, dũng cảm. Và nhất là với tình đồng đội sống chết vẫn bên nhau. Và việc này – yêu thương, đùm bọc, gắn bó nhau -  vẫn thể hiện cho mãi đến sau này, sau thời gian dài  thất tán mà được gặp lại. Trong những lần tề tựu bên nhau trong những kỳ đại hôi. Tuy nhiên, điều đó chưa hẳn là toàn thể, la hầu hết, là “tính chất” theo như được ca ngợi. Bên cạnh đó, không tránh khỏi những ngấm ngầm chia rẻ - mà thể hiện rõ nhất, và cũng coi như trầm trọng nhất (theo thiển ý) là từ sau ĐH11/NKT San Jose:


Bắc Cali phe nhóm chia rẻ? Nam Cali phân chia? Bất hợp? Và TH/NKT kể từ khi được bầu chọn và thành lập BCH/TH, cố dấy động, tạo dựng một tinh thần đoàn kết từ gần cả năm nay. Ta thấy, hầu như kết quả đem lại “đoàn kết như xưa” chưa đạt. Đúng không?
Lần đại hội 12/NKT năm này, tổ chức tại Orlando, Florida, có lẻ là một “thách thức” – Thách thức cho “tình đoàn kết” mà từ bấy lâu nay, chúng ta – gia đình NKT – đã luôn cao vọng đặt để tự hào?
Điều đáng tiếc mà có lẻ tất cả chúng ta – anh em chiến hữu NKT – không thể không thừa nhận là tinh thần đoàn kết NKT đang bị đe dọa, đe dọa một cách tệ hại. Cũng chỉ vì những mâu thuẩn, những xích mích, tị hiềm trong anh em chúng ta (ở mọi cấp) chưa được tìm hiểu thấu suốt chu đáo để có phương cách cùng giải quyết chung cho rạch ròi, mà cứ “đơn phương” góp ý khuyên giải một cách quá là máy móc đơn điệu: “dĩ hòa vi quí”, “một câu nhịn chin câu lành” khuông sáo, áp đặt?
Tôi, người viết, không có ý đào sâu mọi mâu thuẩn, cũng không xúi bẩy để phải “đấu đá” tới cùng. Vì như vậy, càng xấu, càng tệ hại. Nhưng mà mọi “tệ hại” sẽ không thể thoát khỏi từ sự quá nhún nhường, hèn kém, bao che và thiển cận.
Một ý nghĩ chót: Kính mong anh em chiến hữu ta (từ cấp NT đến xuống dưới…) nên cố để ý quan tâm mọi vấn đề xung đột xung khắc, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết, ảnh hưởng đến danh tiếng của một đơn vị chung. Xin đừng bàng quang, lánh tránh.

Thân kính.
SJ. 5/2015 – Ng. Dẩn,