Friday, March 20, 2015

ÁI NHĨ LAN: MIỀN NAM VÀ VĂN HÓA CELTIC CỔ ..


Trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, tôi vào tòa soạn Thời Báo thăm các anh chị trong ấy, nghe tôi nói tôi sắp lại chuẩn bị lên đường đi Ái Nhĩ Lan (Ireland), ông chủ bút đã căn dặn tôi là đừng có ngộ nhận văn hóa Irish là văn hóa British, cẩn thận lời ăn tiếng nói khi phải phát biểu điều gì về văn hóa của họ. Thật vậy, qua đến nơi thì tôi mới “ngã ngửa” vì trăm nghe không bằng một thấy, hòn đảo rộng lớn này từng có một nền văn hóa xuất hiện rất lâu, rất khác biệt, từng hiện hữu song song gần trùng với thời gian của nền văn hóa cổ đại La Mã phát triển trong lục địa của Châu Âu. Và trong ba tuần có dịp đi khắp hết hòn đảo, từ các đô thị văn minh cho đến những thảo nguyên bát ngát, từ những căn nhà cheo leo trên sườn núi, đến những lâu đài và nhà thờ cổ trên dưới một ngàn năm, cũng như đến được những làng chài đánh cá ven biển...tôi đã vô cùng xúc động và có phần ân hận vì mấy chục năm qua, tôi từng ngộ nhận văn hóa Ái Nhĩ Lan cũng “na ná” văn hóa của người Ăng Lê. Thậm chí có khi tôi từng nghĩ họ tuy hai mà một.... Trong ba tuần ở hòn đảo này, tôi đã bỏ ra hàng nhiều giờ lang thang vào các tiệm sách, lục lọi tài liệu trong các thư viện địa phương, trong tòa đô chánh, nói chuyện với những người hát rong, với những ngư phủ và tất nhiên là với cả những hướng dẫn viên du lịch, tôi đã phần nào mường tượng ra được sự thăng trầm của văn hóa, của con người và xứ sở Ái Nhĩ Lan hiền hòa, thơ mộng này.... 

 TỪ THỜI CỔ ĐẠI QUA ĐẾN THỜI TRUNG CỔ
Nói về yếu tố chủng tộc thì người ở đây thuộc sắc dân da trắng (Caucasian). Theo nhiều tài liệu khảo cổ, nhiều ngàn năm trước vùng đất này và Tô Cách Lan, Anh Quốc nối liền nhau. Khi ấy chưa có sự phân chia vương quốc, các nền văn hóa cũng chưa hình thành rõ rệt. Sau đó, sự biến đổi của cấu trúc quả đất thay đổi, vùng đất Ái Nhĩ Lan bị tách rời ra khỏi đất liền, trở nên một hòn đảo biệt lập. Nhóm sắc dân và văn hóa ở đây bị chia đôi ra, một nửa vẫn sống tại vùng đất cũ mà hiện nay là Tô Cách Lan, một nửa vẫn bám theo vùng đất bị đẩy ra đại dương xa, trở thành hòn đảo Ái Nhĩ Lan như ngày nay. Theo các nghiên cứu cho thấy văn hóa và tiếng nói cổ đại ở Ireland gần giống với văn hóa và tiếng nói cổ đại ở Tô Cách Lan. Tuy nhiên theo thời gian, do có sự cách biệt với đất liền, nền văn hóa trên đảo đã phát triển theo một hướng riêng biệt, trở thành một văn hóa Celtic rất lạ tại Châu Âu. Văn hóa Celtic phát triển theo thời gian gần như song song với các nền văn hóa lớn khác trên thế giới. Ái Nhĩ Lan cũng qua những giai đoạn như từ thời đồ đá, đến đồ đồng, đồ sắt và kéo dài phát triển cực thịnh cho đến tận thế kỷ XVI.... Ngày nay, người ta vẫn có thể tìm thấy những cổ vật được sản xuất trong từng giai đoạn khác nhau, có xuất xứ từ Ái Nhĩ Lan. Có lẽ những món hàng này đã đi theo những con tàu buôn thời ấy vào lục địa Châu Âu.

Chữ viết tượng hình cổ Celtic có vào khoảng 400 năm trước Công Nguyên, cũng là lúc văn hóa ở đây phát triển vô cùng phong phú. Hình ảnh tượng hình trên chữ viết của họ mang những ký tự tượng trưng cho hình ảnh của các loại cây mọc ngay trên hòn đảo. Thiên Chúa Giáo du nhập vào hòn đảo khoảng thế kỷ thứ V, và đã phát triển vô cùng cực thịnh bởi vì đã không bị một sự xung đột tôn giáo hay mâu thuẩn với bất cứ triều đình nào. Chữ viết cổ Irish được các giáo sĩ chuyển từ tượng hình qua mẫu tự Latin trong giai đoạn này. Rất nhiều các giáo sĩ, chủng sinh từ các vương quốc khác ở Châu Âu đã tìm đến Ái Nhĩ Lan để tu học, nhiều nhất là từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ IX. Các giáo sĩ từ Ái Nhĩ Lan cũng đã sang truyền giáo ở Tô Cách Lan.
Trong thế kỷ thứ IX, người Đan Mạch đã đến đây xâm chiếm, họ cho xây nhiều thành phố, hải cảng và đưa văn hóa của chủng tộc Viking từ Đan Mạch vào, cũng tạo nên những ảnh hưởng và để lại nhiều dấu tích hiện nay trong kiến trúc và văn hóa. Sang đến thế kỷ XII, một đợt di dân của người Pháp cũng đến hòn đảo này sinh sống. Tiếng Celtic (Irish) cổ cũng từ đó có những từ ngữ được pha trộn thêm, nhưng vẫn là một tiếng nói, một nền văn hóa Celtic rất riêng biệt, phát triển rực rỡ cho đến thế kỷ XV. Qua đến thế kỷ XVI, người Anh bắt đầu để ý đến hòn đảo này. Họ đã đem quân sang xâm lấn và đặc ách cai trị một cách có hệ thống. Triều đình Anh Quốc trong niềm kiêu hãnh đi xâm chiếm thuộc địa đã không bỏ qua Ái Nhĩ Lan. Sau khi đánh bại tất cả những sự kháng cự của người Ái Nhĩ Lan kéo dài trong hai thế kỷ XV và XVI, người Anh đã hoàn toàn cai trị Ái Nhĩ Lan vào năm 1607, họ đã cấm tiệt không cho sử dụng tiếng nói và chữ viết Celtic (Irish). Những trường học phải dùng tiếng Anh ngay từ lớp vỡ lòng. Cũng như những gì đã làm ở các thuộc địa họ xâm chiếm được, người Anh ban phát bổng lộc, đặc quyền cho những ai biết sử dụng Anh Ngữ thành thạo được vào trong hệ thống công quyền, được phong chức bá tước, hiệp sĩ... Đồng thời họ cũng tạo nên những thành kiến cho rằng viết và nói tiếng Anh là dân sang trọng, chỉ có thứ “dân ngu cu đen” mới còn dùng tiếng cổ Irish. Người Anh đã thành công ở nhiều quốc gia thuộc địa với chính sách này và họ cũng đã áp dụng với Ái Nhĩ Lan nhằm tiêu diệt tận gốc tiếng nói và văn hóa tại đây. . 

TỪ THẾ KỶ XVII QUA ĐẾN THỜI CẬN ĐẠI
Sau khi bị người Anh chiếm nước và đặt một hệ thống chính phủ mới trực thuộc triều đình Anh Quốc, những gia đình người Irish yêu nước và tự trọng cao đã bất hợp tác, trong đó có cả những hoàng thân quốc thích. Họ đã cùng nhau di chuyển về bờ biển phía tây của hòn đảo hành nghề đánh cá, tự chăn nuôi cừu, bò. Những cộng đồng sống ở bờ biển phía tây này đã từ chối không tham dự vào xã hội mới do triều đình Anh Quốc dựng lên, họ không nói tiếng Anh mà chỉ dùng tiếng Irish của tổ tiên. Tuy nhiên theo thời gian, qua nhiều thế kỷ, người Anh cố tình gieo vào cộng đồng Irish ở đây những thành kiến như văn hóa Celtic chỉ là một nền văn hóa lạc hậu, của những người bần cùng, nghèo hèn, rằng muốn tiến thân chỉ còn cách bước vào trường lớp tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội...Giới trẻ lớn lên đã vì miếng cơm manh áo, vì sự tiến thân ... đã từ từ bỏ mất ngôn ngữ cổ truyền của tổ tiên để bóp miệng học tiếng nước người. Sang đến đầu thế kỷ XX, chỉ còn 14% dân số nói được tiếng Irish cổ, đa số tập trung ở vùng biển miền tây, tại nhiều thành phố miền bắc và miền đông đã không còn ai biết đọc và nói thứ ngôn ngữ của tổ tiên họ nữa.
Khi đang tìm tòi tài liệu ngay bên trong trong tòa đô chánh của thành phố Derry, đọc đến chi tiết chỉ còn 14% dân số còn nói được tiếng nói cổ sau gần ba thế kỷ bị cấm sử dụng, , tôi đã đóng sách lại, ngửa mặt lên trời hòng tránh cho nước mắt đừng rơi xuống quá nhiều, không phải chỉ vì thương cảm cho người Irish lỡ ở cạnh một đế chế có những đội quân và văn hóa quá hung mãnh là Anh Quốc, mà tôi chợt liên tưởng đến một ngàn năm nước Việt Nam bị Trung Hoa xâm chiếm và đô hộ. Một sự đồng cảm vì cùng là những quốc gia nhỏ bé nhưng lỡ ở cạnh những cường quốc hung hăn luôn muốn bành trướng sự ảnh hưởng của họ đi khắp nơi. Với tôi, những gia đình Irish còn gìn giữ cho con cháu họ nói được ngôn ngữ cổ xưa này, mặc cho những đợt sóng văn hóa, mặc cảm kinh tế, áp lực và nhu cầu xã hội kéo dài trong ba thế kỷ kia, là những vị anh hùng. Khi miền nam Ái Nhĩ Lan đòi được độc lập, tách ra khỏi nước Anh vào năm 1923, chính nhờ vào 14% người còn biết tiếng cổ Irish này mà văn hóa và ngôn ngữ đã dần dần phục hồi. Nếu không có họ thì có lẽ, nền văn hóa Celtic ngày nay chỉ còn có thể được nhắc đến trong truyện cổ tích mà thôi.. 


THỦ ĐÔ DUBLIN VÀ CHÍNH TRỊ NGÀY NAY
Nếu như dân số của cả hòn đảo Ái Nhĩ Lan là 6 triệu 400 ngàn người thì đã có 1 triệu 700 ngàn người đang sống và làm việc tại thủ đô Dublin. Từ Canada muốn đến Dublin phải đổi máy bay ở London, Anh Quốc. Với các hãng máy bay Mỹ thì có những chuyến bay thẳng, nhưng rất ít. Với tình hình thời sự hiện nay là có nhiều khủng bố, tôi đã mệt nhoài với những thủ tục an ninh, khám xét nhiều lần tại phi trường Heathow ở London, Anh Quốc. Khi máy bay vừa xuống London, tôi phải làm thủ tục nhập cảnh chính thức, gặp nhân viên hải quan của Anh, ngay sau đó phải điền vào phiếu chuyển cảnh ngay để rời nước Anh. Dĩ nhiên hành lý xách tay của tôi cũng phải qua nhiều lần cửa. Những ai lỡ đem laptop theo trong túi xách tay là một cực hình vì phải đem ra, cất vào nhiều lần. Với hải quan nước Anh, họ chụp ảnh tất cả các du khách đặt chân vào đất nước họ. Tôi đã phải “xuất cảnh” khỏi nước Anh, chỉ sau khi đã “nhập cảnh” chưa đầy hai mươi phút, lại trình hải quan, lại trả lời nhiều câu hỏi, họ mới cho tôi đi qua một cánh cửa khác. Tưởng đâu đã xong, ai ngờ tôi lại tiếp tục gặp hải quan của Ái Nhĩ Lan, họ lại chụp ảnh tôi và tất cả những du khách một lần nữa mới được vào khu vực chờ lên máy bay. Lúc mua vé, tôi tưởng với hai tiếng đồng hồ ở phi trường Heathrow, tôi sẽ có thời gian lang thang đi shopping, nào ngờ chỉ vừa kịp để chạy hụt hơi đón các shuttle bus đi tìm các terminal khác nhau, xếp hàng qua nhiều lần cửa khám xét. Nếu là một người ít đi du lịch, có thể tôi đã bị trễ chuyến bay rồi..

Thủ đô Dublin của Ái Nhĩ Lan rộng 115 km2 (khoảng 44.4 square miles), so với những thành phố lớn của Canada như Toronto, Vancouver hoặc Montreal, Edmonton thì không bằng. Tuy nhiên, Dublin có nhiều khu phố đi bộ với nhà hàng, quán rượu, khu trung tâm tấp nập nên nhìn cũng rất bề thế và đẹp đẽ không hề thua kém bất cứ một thành phố lớn nào. Cho dù các tài liệu sử học cho biết nơi đây từng có dấu chân con người sinh sống từ thời cổ đại, cũng là nơi mà người Đan Mạch và người Pháp đến sinh sống từ thế kỷ thứ IX cho đến XII. Tuy nhiên ngoài một lâu đài cổ còn sót lại từ thế kỷ XIII, ngôi giáo đường Christ Church Cathedral xây lại trong thế kỷ XIX, tòa nhà hải quan rất lớn ở ngay cảng ra vào xây vào thế kỷ XVIII, tất cả các công trình kiến trúc còn lại đều rất mới, được xây trong thế kỷ XIX hoặc XX theo phong cách Celtic, hoặc kiểu Anh hiện đại. So với các thành phố khác ở Châu Âu thì Dublin là một thành phố quá mới, ít các công trình kiến trúc cổ. Giao thông công cộng ở đây không có subway, nhưng với xe bus rất nhanh, tiện lợi và an toàn. Như tôi đã nói ở trên, Dublin an toàn gần như tuyệt đối vì quá nhiều các lần cửa an ninh để một du khách có thể “lọt” vào được đây. Bởi vậy cho nên những thành phần móc túi, thiếu giấy tờ hợp lệ không thể có mặt để làm những chuyện phi pháp. Tôi có thể đi bộ lang thang vào những con hẻm vắng mà vẫn cảm thấy yên tâm. .
Những nơi du khách không thể bỏ qua là khu phố đi bộ trên con đường Temple Bar, thư viện quốc gia, viện bảo tàng quốc gia, nhà thờ St. Patrick, Dublin castle, nhà máy beer Guinness, công viên Phoenix, hoặc đi dự dinner show để xem những điệu nhảy thiết hài xuất xứ từ đây...Riêng với viện bảo tàng quốc gia, chúng ta cần có ít nhất 5 tiếng đồng hồ để vào thưởng lãm vì nơi đây chứa rất nhiều những bộ sưu tập về văn hóa của hòn đảo Ái Nhĩ Lan từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày nay, kể cả nhiều xác chết khô cách đây 2500 năm được tìm thấy trong lòng đất. Có lẽ vì muốn phổ biến và chứng minh nền văn hóa Celtic đặc thù, khác biệt với văn hóa Anh Quốc , cho nên viện bảo tàng ở đây cho du khách vào cửa miễn phí và cho du khách tự nhiên chụp hình. .
Từng là một lãnh thổ với ngôn ngữ và một nền văn hóa riêng biệt, nhưng Ái Nhĩ Lan đã bị Anh Quốc xâm chiếm và trở thành một phần của lãnh thổ nước Anh trong suốt ba thế kỷ. Sau 10 năm dài tranh đấu bằng lối đấu tranh dân chủ, 83% lãnh thổ của dân tộc và quốc gia Ái Nhĩ Lan đã trở về với họ. Nước Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan (Republic of Ireland) ra đời vào năm 1923. Tuy nhiên 17% lãnh thổ còn lại thuộc cực bắc của hòn đảo vẫn còn thuộc về Anh Quốc cho đến ngày hôm nay. Người dân Irish vẫn xem cuộc đấu tranh dành độc lập ấy vẫn chưa chấm dứt. Họ vẫn còn đang phải tiếp tục đấu tranh bằng nhiều hình thức vận động dân chủ. Ngày nay khu vực phía nam (Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan) sử dụng tiền Euro, còn khu vực phía bắc sử dụng tiền Bảng Anh.. 

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI ÁI NHĨ LAN
Theo sự tìm hiểu của tôi, có khoảng 5000 người Việt Nam đang sống rải rác khắp hòn đảo Ireland, đông nhất là ở thủ đô Dublin. Khi đi khắp hòn đảo thì tôi thấy có vài nhà hàng Việt Nam có mặt ở 3 thành phố là Dublin, Belfast và Waterford. Tại Dublin có khoảng 2000 ngàn đồng hương đang sinh sống, làm việc. Những người kỳ cựu nhất là những thuyền nhân được chính phủ Ireland nhận cho tị nạn chính trị vào năm 1979. Tôi có tìm đến nhà hàng Phở Việt, nghe nói đây là quán của anh chủ tịch cộng đồng ở Ái Nhĩ Lan, nhưng tiếc quá, vợ chồng anh đang đi nghỉ vacation ở xa, chỉ gặp được cô con gái tên Kim đang đứng trông coi quán phở. Quán phở khá đông khách địa phương, khang trang, sạch sẽ và giá cả phải chăng. Thực đơn vừa có phở, bánh xèo, chả giò, gỏi cuốn...Tôi vừa ngồi ăn vừa nói chuyện với Kim, con gái chủ quán. Cô nói chuyện với tôi hầu như hoàn toàn bằng tiếng Việt. Cô cho biết cô sinh ra tại đây, chưa bao giờ về lại Việt Nam, ít khi nghe cha cô nói gì về quá khứ của ông lúc trước. Cô cũng không biết quê nội của cô ở đâu trên đất nước Việt Nam cả. Khi đề cập đến việc này, cô lại cười thật tươi và nói tiếp bằng giọng Nam Bộ:“nhưng nếu anh hỏi em về đất nước Ireland, về cộng đồng ở đây thì em sẽ trả lời nhiều hơn, vì em biết rõ hơn”. .
Sau khi rời tiệm Phở Việt, tôi lại lần theo bản đồ đến quán Phở Ta cũng nằm ngay khu vực trung tâm. Thực đơn ở đây có nhiều món miền Bắc, tôi chọn combo 3 món với gỏi cuốn, phở và bánh flan. Giá tiền được tính là 15 Euros, rẻ hơn những nhà hàng Thái, Ấn Độ và Tàu tại khu vực trung tâm. Khi hỏi thăm các em chạy bàn thì được biết chủ nhà hàng cũng là người định cư khá lâu ở đây, còn các em thì từ Việt Nam sang du học. Tôi hỏi các em có tham gia sinh hoạt với cộng đồng người Việt ở đây hay không thì các em cho biết ở đây có hội người Việt nhưng các em ít có thời gian tham dự. .\


DÂN CA CỔ TRUYỀN
Trong những ngày ở Ái Nhĩ Lan, tôi được nghe rất nhiều những bài nhạc mới và dân ca ở đây, tuy nhiên chỉ toàn những làn điệu dân ca Irish được hát bằng tiếng Anh. Tôi thì lại muốn nghe cho được những làn điệu dân ca thật cổ xưa mà phải hát bằng tiếng Celtic (còn gọi là Gaelic hay Irish cổ). Sau nhiều ngày tìm kiếm ở nhiều thành phố khác nhau, cuối cùng tôi cũng có được trong tay 2 CD nhạc do hai danh ca hát theo kiểu Acapella bằng tiếng Irish cổ. Đây đúng là loại cổ nhạc của người Irish thuở xa xưa. Hai người danh ca đó là ông Seosamh Ó hÉanai và bà Síle Ní Fhlaithearta. Họ được xem là những "hiệp sĩ văn hóa" đã góp phần vực dậy một nền văn hóa nhiều ngàn năm tưởng đâu đã bị nhận chìm vào quên lãng.....

NĂNG LƯỢNG TỪ VÙNG THẢO NGUYÊN
Hôm nay, đoàn tôi đi về hướng bắc, tôi đem những đĩa nhạc mua được lên xe, đưa cho người tài xế yêu cầu mở cho cả xe vừa nghe, vừa ngắm cảnh đồi núi hai bên. Những làn điệu ai oán, làn hơi ngân nga như đang lướt vi vút trên những thảo nguyên và đồi núi xanh ngắt một màu nghe buồn rười rượi như có ai bóp thắt trái tim người nghe. Nốt nhạc man dại, làn hơi của người ca sĩ như rít qua kẻ răng, đẩy hơi xuống lồng ngực nghe lồng lộng, rồi lập tức chuyển lên giọng óc và cho vỡ òa ra lần nữa ở làn môi, khiến gai ốc tôi nổi cùng mình. Khi xe đi qua những thảo nguyên bạt ngàn có những đàn cừu đang đứng ăn cỏ, những âm điệu cổ xưa này trỗi lên nghe như réo gọi những hồn phách từ ngàn năm trước trong lòng đất trở về dương thế. Cảnh và nhạc đã quyện quấn vào nhau thật ngoạn mục. Giữa bầu trời nhiều mây, ít nắng, đồi núi nhấp nhô kéo dài xanh ngắt tận đường chân trời đẹp như tranh vẽ. Chân tôi run lên vì cảnh đẹp nửa như thiêng liêng, nửa như ma mị này. Tôi chịu không nổi nữa, quay qua nắm tay bà cụ người Mỹ đi cùng đoàn, bà cũng đang bồi hồi vì sự tuyệt mỹ của thiên nhiên xung quanh, bà nhìn tôi, tôi nhìn bà không nói gì cả, rồi bỗng bà sụt sùi khóc, bà nói nhỏ: “this is where I came from – tôi đến từ nơi này". Tôi hiểu ý, khẽ bóp tay bà một cái nhẹ rồi buông ra. Lúc này cả đất, cả trời, cả con người đều như quyện vào nhau thành một. Tất cả chúng tôi cùng im lặng...xa xa có chú cừu con đang chạy nhanh về phía cừu mẹ, khi đến được gần bên mẹ rồi thì chú đi chậm lại, vừa đi vừa quay đầu nhìn về chúng tôi !!!...


NHỮNG THÀNH PHỐ BIỂN NÊN ĐI
Mặc dù Dublin là thành phố lớn nhất của Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan, còn Belfast là thành phố thủ đô của tỉnh Bắc Ái Nhĩ Lan (thuộc về Anh Quốc), nhưng không phải chỉ có hai thành phố này là nơi cần đến tại Ái Nhĩ Lan. Nếu quý vị đến đây mà chỉ sống trong khách sạn cùng các tiện nghi đến tận răng, đi chơi ở phố xá đông đúc, ăn thức ăn ngon rẻ tại các khu trung tâm của Belfast hay Dublin mà không đi về những hải cảng, những làng chài, những phong cảnh thiên nhiên, hang động đẹp diễm tuyệt thì chưa thể gọi là đã đến Ái Nhĩ Lan. Du khách không cần phải đi theo đoàn mà có thể mua vé máy bay đến Dublin hoặc Belfast, và sau đó đi tìm một văn phòng du lịch nào đó có rất nhiều tại các thành phố lớn mua các tour du lịch từ nửa ngày cho đến 10 ngày. Hình thức của các tour cũng có đủ, từ đi bộ (city tour) cho đến đi xe đạp, xe bus, xe lửa, tàu thủy, hoặc tự thuê xe lái. Những thành phố và thị trấn du khách cần cố gắng đi thăm có thể kể như Glenalough, Avoca, Enniscorthy, Tramore, Waterford, Dungarvan, Youghal, Blarney, Killarney, Ring of Kerry, Dingle Peninsula, Adare, Ennis, Cliffs of Moher, Galway, Knock, Sligo…
Với du khách từ Canada và Mỹ không quen ngồi lái bên trái thì không nên thử cầm lái. Mà cho dù những ai đã quen thuộc với tay lái bên trái như Anh, Úc, Tân Tây Lan, HongKong, Mã Lai, Singapore….tôi cũng khuyên không nên tự lái xe ở Ái Nhĩ Lan. Đường đèo ở đây rất nguy hiểm, chỉ có dân địa phương mới biết rành những bờ đá nguy hiểm mà tránh. Trước khi đi, cũng cần đọc sơ vài trang giới thiệu về nơi mình sắp đến để chuẩn bị tinh thần cũng như khỏi bỡ ngỡ đi đặt chân đến.
Tôn Thất Hùng
_________________________________________
.
Đón xem kỳ 2: hành trình lên miền Bắc Ireland, thăm mộ St. Patrick, tìm hiểu đôi chút về thành phố nổi tiếng Belfast – nơi đã đóng chiếc tàu Titanic ra đi không trở về, nhạc dân ca cận đại Irish có liên quan thế nào với nhạc Country Music của Mỹ, những đợt sóng người dân Ái Nhĩ Lan di cư, tổng thống Kennedy và đệ nhất phu nhân của Hoa Kỳ là ai?, Cách pha một ly Irish Coffee đãi khách…
_________________________________________

BỤI ĐƯỜNG XA - Kỳ 2
ÁI NHĨ LAN: RÀNG BUỘC VÔ HÌNH VỚI CÁC CƯỜNG QUỐC HIỆN NAY
Hôm nay tôi lại tiếp tục trên những hành trình đi vòng quanh hòn đảo Ái Nhĩ Lan, đi dọc theo các hải cảng, các thành phố ven biển. Có thể nói đây là một trong những chuyến đi “bụi đường xa” mà tôi không cảm thấy căng thẳng, không đuối sức như ở các chuyến đi trước. Tôi cảm thấy mình thích hợp với năng lượng của vùng đồi núi xanh ngắt, của những điệu nhạc dân ca du dương ở đây, cùng với những con người thật thà và hiền hậu như đếm. Trong cách quảng bá văn hóa, người Irish cũng không kiêu hãnh như người Anh, không đầy tự hào như người Pháp, hầu như trong tất cả các tài liệu nói về văn hóa Celtic, họ chỉ muốn xác định họ đã có một nền văn hóa riêng rất lâu đời và họ luôn hãnh diện về điều ấy.
HÀNH TRÌNH VỀ MIỀN BẮC
Trên phương diện chính trị thì miền bắc là một tỉnh của nước Anh, sử dụng tiền Pound. Tuy vậy họ có chính phủ riêng, quốc hội riêng, tạm hiểu nôm na là vùng “tự trị”, dân số khoảng 1 triệu 800 ngàn dân, người gốc Anh chiếm đa số. Ở đây tôi xin không nói sâu về lịch sử của họ bởi nếu nói rõ từng chi tiết thì cần nhiều pho sách mới có thể viết đủ ý, hơn nữa tôi cũng không phải người chuyên nghiên cứu lịch sử. Điều quan trọng mà tôi luôn nhớ khi nói về Ireland: là qua nhiều gian khổ, nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ đấu tranh với triều đình Anh Quốc, nhiều nhà yêu nước Ái Nhĩ Lan đã chết đi để đất nước họ được độc lập, hoàn toàn tách ra khỏi sự ảnh hưởng và thống trị của người Anh kể từ năm 1923. Tuy nhiên một phần sáu của hòn đảo, là miền Bắc Ái Nhĩ Lan vẫn bị triều đình Anh Quốc giữ lại cho đến ngày nay. Những khuynh hướng chính trị của người miền Bắc hiện nay thì cũng không đồng nhất. Những người ủng hộ chính quyền Anh thì đa số trong họ là người gốc Anh. Những người muốn tiếp tục đấu tranh để đất nước của họ trở về trọn vẹn thì hầu hết là Irish thuần chủng. Tại Ireland, các thành phần cực đoan thân Anh cũng từng hăm dọa đốt các quán nhạc nào có trình diễn nhạc Celtic. Tại miền Nam thì hầu như khuynh hướng của người Irish phải tiếp tục đấu tranh để đòi lại một phần của đất nước là điều hiển nhiên. Trong thế kỷ XX, những người Irish theo chủ nghĩa dân tộc từng đấu tranh bằng võ trang mà nhiều nhất ở miền Bắc, nhưng rồi bước qua thế kỷ XXI, các hình thức đấu tranh này dễ bị xem là “khủng bố” và dễ bị đánh đồng với những nhóm quá khích trên thế giới như Al Qaeda nên họ đã quyết định ngưng không còn những tiếp tục những hoạt động võ trang hoặc đe dọa đặt bomb như ngày xưa. Nhiều người từng chủ trương võ trang sau đó cũng đã chuyển sang những đấu trường chính trị khác uyển chuyển, mềm dẻo hơn. Kể từ năm 2005, hòn đảo Ái Nhĩ Lan từ bắc xuống nam đã trở lại yên ổn không còn không khí chiến tranh và đe dọa khủng bố. Tình hình đấu tranh hiện nay có nóng thì chỉ là nóng ở các chính trường mà thôi. Tôi đã có một cảm tình đặc biệt với họ khi đến đây với nhiều mối đồng cảm. Có ở trong tâm trạng của một nước nhỏ, ở cạnh một nước lớn, luôn bị nước lớn xâm lấn và tìm cách đồng hóa mới dễ thông cảm và hiểu tại sao người Irish đã đấu tranh chống lại triều đình Anh Quốc trong nhiều thế kỷ. Nếu chúng ta đứng ở góc nhìn của chính phủ Anh và các quốc gia thân Anh, thì những ai chống lại đều bị xem là “giặc”, nhưng nếu đứng ở quan điểm của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ái Nhĩ Lan, thì “giặc” kia lại là những anh hùng. Riêng với cá nhân tôi là một du khách bàng quan, tôi vẫn mong đất nước của họ, cho dù đấu tranh bằng phương cách gì thì cũng phải được trọn vẹn lãnh thổ và độc lập, quan trọng nữa là văn hóa Celtic phải được bảo tồn. 


 THĂM MỘ ST. PATRICK VÀ THÀNH PHỐ BELFAST
Trước khi vào đến thành phố Befast, chúng tôi vào thăm Down Catheral thuộc thị trấn Downpatrick. Nghe nói đây là nhà thờ đã được xây từ thế kỷ XII, có ngôi mộ của St. Patrick, một vị linh mục sinh ra ở Tô Cách Lan, sống gắn bó với hòn đảo này vào cuối thế kỷ IV và đầu thế kỷ thứ V. Vị linh mục đã được phong thánh chính thức vào năm 993. Theo truyền thuyết, ông bị bắt đưa qua Ái Nhĩ Lan vào năm 16 tuổi, và trốn thoát 6 năm sau đó trở về lại quê nhà, sau đó ông đi tu và quay trở lại hòn đảo Ái Nhĩ Lan để tham gia truyền giáo và sống nốt cuộc đời ở đây. Có nhiều giai thoại về ông, như ông đã giúp người dân trên đảo diệt trừ hết rắn. Lá Shamrock cũng là biểu tượng của ngày St. Patrick vào 17 tháng 3 hàng năm bởi vì ông đã dùng lá này khi giảng giải về kinh thánh trong các buổi lễ. Nhiều tài liệu cho rằng ngày 17 tháng 3 được chọn kỷ niệm có xuất xứ từ cộng đồng Thiên Chúa Giáo gốc Ái Nhĩ Lan tại Hoa Kỳ vào năm 1737, sau đó mới lan ra khắp thế giới, kể cả được ấn định là ngày thánh lễ ngay tại cố quốc Ái Nhĩ Lan.

Belfast là thủ phủ của miền Bắc Ireland, lớn hơn Dublin nhưng lại không đẹp bằng. Hệ thống xe Open Bus (xe bus hai tầng) dành cho du khách đi tham quan thành phố mà chúng ta hay thấy tại Toronto và các thành phố lớn trên thế giới cũng có mặt tại đây vô cùng tiện lợi. Du khách chỉ cần mua vé máy bay hoặc vé xe lửa hay tàu thủy đến đây, rồi mua một vé xe city tour là có thể đi khắp nơi trong thành phố, lên xuống thoải mái, tấm vé có giá trị trong hai ngày. Tại Belfast có một hãng đóng tàu rất nổi tiếng, từng hạ thủy con tàu Titanic năm xưa nhưng con tàu bị đã chìm khi đến khu vực ngoài khơi, gần bờ biển Halifax của Canada năm 1912 như chúng ta đã biết qua phim ảnh gần đây. Cái tên Titanic đã từng bị xem là một điều xui xẻo cần phải quên đi, bởi vì ngoài vấn đề thất bại về kỹ thuật, rất nhiều gia đình tại Belfast có thân nhân đã chết trong tai nạn ấy. Tuy nhiên, 85 năm sau, khi Hollywood làm ra bộ phim mang tên con tàu xấu số, bộ phim trở nên nổi tiếng khắp năm châu, nhiều du khách đã tìm đến Belfast để tìm hiểu về nơi xuất phát của con tàu. Hãng đóng tàu và bộ du lịch đã chuyển hướng suy nghĩ, thay vì tiếp tục sợ xui xẻo, họ đã chuyển sang khai thác du lịch vì đây là nơi xuất xứ của con tàu. Ngay tại bến cảng đã có một tòa nhà triển lãm rộng lớn về con tàu Titanic, thu hút rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới. Tôi bỗng liên tưởng đến nghĩa trang chôn cất những nạn nhân xấu số của Titanic trôi giạt vào bờ biển Halifax của Canada. Trước khi bộ phim được tung ra, không ai biết đến nghĩa trang này, nhưng kể từ khi bộ phim nổi tiếng, du khách đến Halifax đều tìm mọi cách đến “Titianic Graveyard” để viếng thăm mộ những nhân vật nạn nhân mà họ từng thấy qua phim, mặc dù khi vào phim, mọi chi tiết và từng nhân vật như Jack, như Rose... đã được tiểu thuyết hóa cho lâm ly bi đát và lãng mạn hơn.
Cũng như ở các thành phố lớn khác trên thế giới, Belfast là nơi có nhiều di dân và nhiều nền văn hóa khác nhau. Du khách dễ dàng tìm thấy thức ăn Ấn Độ, Trung Hoa, Hy Lạp, Pháp, Bắc Âu....tại đây. Khi xem trên danh bạ điện thoại, tôi thấy có một nhà hàng Việt Nam, định bụng sẽ tìm đến ăn và hỏi thăm đồng hương. Tiếc rằng tối hôm ấy, sau một ngày dài đi thăm thành phố, trở về khách sạn tôi đã bị say nắng và ngủ thiếp đi, quên cả đói. Khi tôi giật mình mở mắt ra thì đã quá 3:00 sáng, không còn đi đâu được nữa. Đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc vì đã tốn tiền thuê khách sạn ngay tại khu trung tâm, tưởng là sẽ có thể đi dạo chơi ban đêm, ai ngờ đã ngủ quên!
TRẬN ĐẠI DỊCH - NẠN ĐÓI TRONG THẾ KỶ XIX
Giữa thế kỷ XIX, từ năm 1845-1852, cả hòn đảo Ái Nhĩ Lan bị mất mùa, kéo theo là những trận đói và bệnh tật. Có khoảng một triệu người đã chết trong khoảng thời gian này. Các thống kê và tài liệu lịch sử cho thấy người gốc Anh thời ấy vẫn là tầng lớp thượng lưu, giàu có và họ ít bị ảnh hưởng. Thực phẩm chính của dân nghèo gốc Irish, theo đạo Thiên Chúa trong giai đoạn này chỉ là khoai tây, mà khoai tây thì bị thất mùa dẫn đến chết đói hàng loạt. Người Irish không thể ngóc nổi đầu lên bởi những luật lệ của triều đình Anh Quốc nhằm ngăn cản sự giàu có và phát triển mạnh của người Irish. Bởi lẽ nếu họ mạnh mẽ thì họ sẽ có khả năng kháng cự lại triều đình. Một trong những luật lệ đáng chú ý thời ấy là không cho người gốc Irish sở hữu đất đai, không được tham gia bầu cử, giới hạn rất nhiều ngành nghề quan trọng, không được học cao...Và trong giai đoạn cả hòn đảo bị nạn đói và dịch hoành hành thì chính quyền Anh Quốc vẫn cho chở hàng trăm con tàu thực phẩm, ngũ cốc trồng tại đây đưa về mẫu quốc. Đây cũng là một trong các mấu chốt đưa đến cuộc cách mạng đầu thế kỷ XX để Ái Nhĩ Lan trở nên một quốc gia độc lập. Nhiều người Irish ngày nay vẫn còn hận người Anh ở sự tàn ác này, họ vẫn nhắc lại trong các bộ phim, những vở kịch, trong các bài hát cũng như vẫn kiên trì đấu tranh từ thế hệ này qua thế hệ khác, quyết phải thoát khỏi sự kiểm soát của người Anh thì dân tộc Irish mới tồn tại được. Tôi có dịp ngồi trong một quán rượu ở làng quê cùng với những du khách từ Mỹ, Canada và Úc, họ là những người trở về đi tìm nguồn cội. Khi ca sĩ dân ca ôm đàn kể lại những giai đoạn lịch sử và hát những lời ai oán, uất nghẹn về những con người chết đói trên các cánh đồng ngũ cốc chín vàng chỉ dành riêng cho dân Anh, về sự đàn áp của người Anh nhằm triệt tiêu dân tộc Irish, tôi đã thấy khán giả và ca sĩ đã cùng khóc và mọi người như hòa quyện thành một, khán giả lên cả trên sân khấu ôm ca sĩ, và khán giả ôm khán giả, họ khóc trong sự đoàn viên, trở về sau nhiều thế hệ....


NHỮNG CON TÀU ĐƯA NGƯỜI ĐI TÌM ĐẤT SỐNG
Người Ái Nhĩ Lan có mặt ở nhiều quốc gia thuộc địa Anh rất sớm. Với những quốc gia khác, đa số nhìn người Irish cũng như người Anh bởi vì trên danh nghĩa, trước năm 1923, người Irish mang quốc tịch Anh, nói tiếng Anh, da trắng. Nhưng giữa người Anh và người Irish thì có sự phân chia trầm trọng. Khi người Anh khai phá các thuộc địa, những công việc nguy hiểm và thấp kém luôn dành cho người Irish và họ đem người Irish theo như một “công dân hạng hai”, chỉ hơn nô lệ da đen chút đỉnh mà thôi. Ước chừng, trong số những người có giấy tờ quốc tịch Anh đến khai phá các thuộc địa thì đã có 60% mang nguồn gốc Irish. Trong thời gian những năm trời đói kém và chết chóc từ 1845 - 1852, đã có khoảng 2 triệu 100 ngàn người rời khỏi hòn đảo đi tìm đất sống. Các con số cho thấy lượng người đổ về Hoa Kỳ là đông nhất (1 triệu 500 ngàn), Canada (340 ngàn), Anh Quốc (300 ngàn), Úc Châu và Tân Tây Lan (70 ngàn). Với khu vực Bắc Mỹ thì họ vẫn chọn Hoa Kỳ là điểm đến đầu tiên vì khí hậu ấm áp, tuy nhiên sau khi người Mỹ làm cuộc cách mạng ly khai khỏi triều đình Anh Quốc, các cuộc chiến tranh đã nổ ra và gián đoạn cuộc di dân vào Mỹ từ Ái Nhĩ Lan. Các con tàu sau đó đã chuyển hướng vào Canada. Tại Canada, họ đã đến định cư đông nhất ở khu vực miền đông như Ontario, Nova Scotia, New Foundland, New Brunswick , Prince Edward Island, và Saint John. Những người di dân mới đã cần cù, tiếc kiệm từng đồng để gởi về cho thân nhân còn kẹt lại ở quê nhà. Họ khuyến khích người thân hãy đến đây lập nghiệp vì ở Canada họ ít bị kỳ thị. Và cứ thế từng đoàn người ra đi nối tiếp nhau....Ngày nay người gốc Irish tại Canada có mặt hầu hết ở khắp mọi nơi trên đất nước Canada. Theo thống kê của chính phủ năm 2006, gần 14% dân số Canada có nguồn gốc Irish (hơn 4 triệu 354 ngàn người).

Tại Canada và Mỹ, chúng ta vẫn thỉnh thoảng bắt gặp những mẫu chuyện chế diễu người Irish, người Tô Cách Lan là ngu dốt, hà tiện và keo kiệt. Theo tôi, sở dĩ có chuyện này là vì người Ái Nhĩ Lan (và người Tô Cách Lan) trong nhiều thế kỷ đã từng là nạn nhân của người Anh. Họ bị khinh bỉ, không được học cao, không được làm việc gì ngoài lao động phổ thông.... Khi họ đến vùng đất mới lập nghiệp, họ vẫn quen nếp sống cần kiệm, phòng cơ tích cốc vì chính các thế hệ ông bà, cha mẹ của họ đã từng chết vì đói thực phẩm rồi...Theo lý giải của ngành tâm lý học, đây là những hậu chấn của các thiên tai hoặc các tai nạn thảm khốc. Những mẫu chuyện, tranh hí họa, khôi hài chế diễu đầy ác ý nhằm vào những nạn nhân, vào nhóm sắc tộc Irish rất vô trách nhiệm và mang tính kỳ thị nặng nề. Tác giả của các “tác phẩm” tồi tệ ấy đều do người gốc Anh tạo ra. Ngày nay, tệ nạn kỳ thị chủng tộc đã giảm đi rất nhiều ở các nước Âu Mỹ. Nhìn về lịch sử Việt Nam, đất nước Việt Nam cũng bị xâm chiếm và bị Trung Hoa cố tình đồng hóa trong nhiều thế kỷ, giống như những gì người Ái Nhĩ Lan đã bị người Anh cai trị và đàn áp thuở xưa. Tại Bắc Mỹ, chúng ta cũng là những người di dân đến từ một đất nước không giàu có, cũng giống như họ trước đây, do đó không thể nào tiếp tay đưa đẩy, truyền miệng những mẫu chuyện cười có nội dung xúc phạm và coi thường một dân tộc khác. Với người có đức tin vào Chúa Giê Su, truyền bá sự căm thù là mang dáng dấp của quỷ Satan; với người theo Phật Giáo, đó là vòng luân hồi của tội ác.

THĂM LÀNG CHÀI
Sau nhiều ngày dong ruổi, tôi dừng ở một làng chài ven biển để nghỉ ngơi vì đã cảm thấy đã kiệt sức. Mùi gió biển tanh nồng, sóng biển rì rào, thức ăn seafood rẻ và tươi, có thể nói không ngoa là cá tôm được đưa thẳng từ tàu vào ngay đến bàn ăn của người dân. Dân chúng tại các làng chài cho biết, họ không mua hay ăn hải sản vào ngày thứ hai, bởi vì các ngư phủ không ra khơi ngày Chủ Nhật trước đó, vì vậy nếu đi chợ mua cá tôm vào thứ hai sẽ chỉ gặp đồ cũ.

Tôi đi theo một nhóm các du khách từ Mỹ, Canada, Úc và Tân Tây Lan đến uống nước và nghe nhạc tại một quán rượu nằm thật sâu trong một cánh đồng. Quán rượu này hoạt động có tính cách gia đình. Họ mở cửa theo “thời vụ”, hoạt động theo lịch trở về nhà của các con tàu và các ngư phủ. Khi các con tàu ra khơi đánh cá, cả ngôi làng không còn đàn ông thì quán đóng cửa. Lúc các con tàu trở về thì quán có thể mở thâu đêm đón khách. Bà chủ quán cũng là một nông dân, khi không đứng ở quầy bar tại quán với anh con trai thì bà đi làm việc đồng áng. Điểm đặc biệt ở bà chủ quán này là bà ta rất ghét các du khách phụ nữ vào uống rượu, bởi vì các phụ nữ trong làng không bao giờ đến quán bar. Trong suy nghĩ của người thôn quê, quán rượu không phải là nơi để quý bà đến khề khà, ăn to nói lớn như đàn ông ... Sau khi đã an vị trong quán, bà chủ quán đã pha cho tôi một ly Irish coffee thật ngon và lạ miệng. Đó là lần đầu tiên tôi được thử loại café này. Người con trai của chủ quán khoảng trên 20 tuổi nhìn tôi với một chút ngạc nhiên, chắc ít khi anh thấy một người vóc dáng Á Châu bước vào quán này. Anh ta hỏi thăm tôi từ đâu đến, tôi nói từ Canada. Xin mở ngoặc ở đây một chút, mỗi khi đi ra khỏi nước, ai hỏi tôi từ đâu đến thì câu trả lời đầu tiên ngắn gọn vẫn là “tôi đến từ Canda”, và tôi quan sát thái độ của họ. Khá nhiều người ngạc nhiên vì sao ở Canada lại có.... da vàng. Tôi chỉ chờ có vậy để giải thích tiếp về tính chất đa văn hóa, đa chủng tộc ở Canada, nhất là tại các thành phố lớn. Cái dài dòng của tôi đôi khi chỉ muốn nhấn mạnh cho biết rằng Canada là miền đất hứa của tất cả di dân chứ không phải độc quyền của một màu da nào. Trở lại với anh chàng bartender, dường như anh ta cũng đã hiểu rõ khi nghe tôi giải thích. Nét mặt anh ta bỗng rạng rỡ và cho biết anh cũng có bà con xa...mấy đời đang sống ở Toronto. Tôi bật cười về cái ngây thơ, thật thà của anh ta. Chúng tôi trao đổi đôi chút về cuộc sống của hai nơi. Thấy tôi cứ tắm tắc khen café ngon, anh đẩy thêm về phía tôi một ly thứ hai và nhất định không chịu lấy tiền. Nhìn liếc về cuối phòng, anh ta nói nhỏ: “thôi mà, uống đi, nhưng đừng cho má tao biết, tao bị la”. Tôi cảm thấy vui vui và tức cười, giống như mình đang ăn vụng trộm cái gì của người ta. Trong những câu chuyện trao đổi, anh ta còn dạy tôi cách pha một ly Irish Coffee để tôi có thể tự pha uống khi về lại Canada.
DÂN CA IRISH CẬN ĐẠI VÀ NHẠC ĐỒNG QUÊ HOA KỲ
Một lần khác đang ngồi ở một lữ quán ven biển ăn cá nướng và uống rượu vang, tôi nghe bên trong có nhạc sống, điệu nhạc dập dìu rất quen thuộc cùng với tiếng đàn guitar thùng. Sau nhiều ngày ở đảo quốc này, tôi cũng đã biết đây là làn điệu dân ca cận đại của người Irish. Ở đây tôi nói dân ca cận đại bởi vì họ hát bằng tiếng Anh cùng với cây đàn guitar thùng (tức là những bài hát được viết sau khi bị mất nước về tay người Anh, tiếng Irish cổ đã bị cấm). Dân ca cận đại khác với dân ca cổ hát bằng tiếng Gaelic theo kiểu Acapella không có nhạc cụ đệm theo. Tiếng đàn thùng dập dìu, lời hát thiết tha như tâm sự của những con người hải hồ hoặc những chàng mục đồng trên các thảo nguyên bát ngát, mông mênh... Bàn bên cạnh có một cặp vợ chồng dường như là người Mỹ vì những câu trao đổi theo âm vực của Mỹ lâu lâu lại vọng sang phía tôi. Sẵn tôi đang có thắc mắc về làm điệu dân ca Irish này, tôi quay qua họ và hỏi luôn:“Ông bà có nghĩ nhạc dân ca ở đây quá giống nhạc Đồng Quê của Mỹ không?”. Bà vợ nói “yes”, nhưng chưa kịp trả lời gì cả thì ông chồng đã cướp lời và nói: “Đúng rồi, nó đó, những làn điệu dân ca này theo tổ tiên chúng tôi đến Mỹ... à, chúng tôi ở New Jersey, khi ông bà nội ngoại chúng tôi đến Mỹ thì cũng là lối chơi như vậy. Vào đến Mỹ rồi thì thêm vài nhạc cụ, và nhạc được viết ở Mỹ thì nói về đời sống của vùng đất mới...vậy thôi. Mấy nhà chuyên môn thì họ nói nào rất giống trong âm hưởng, rồi có nhiều ảnh hưởng từ hòa âm đến kỹ thuật hát, blah...blah...blah... nhưng theo tôi cứ nói huỵch toẹt ra, nó là nó đó.” Ông chồng vừa nói một hơi vừa nheo mắt thích thú, có lẽ cũng muốn chia xẻ với tôi ý nghĩ mà ông đang tâm đắc lâu nay, nhất là khi thấy tôi quan tâm đến văn hóa của sắc tộc ông. Tôi cũng đồng ý với ông ta về điểm này. Nếu có dịp, quý vị cứ nghe thử một bài dân ca cận đại Irish, được đệm với cây guitar thùng thì sẽ tưởng như mình đang nghe một bài Country Music của Mỹ vậy. Với tôi, khi nào tôi cũng thú vị vì văn hóa luôn đi theo bước chân tha phương của người di dân và đổi thay theo thời gian. Thay đổi chút xíu, cách điệu chút xíu là ra một sản phẩm mang tên mới. Tựa như ở Việt Nam hiện nay có hiệu phở rất đông khách, chủ nhân sau khi đến Mỹ đã thay đổi công thức cho phù hợp với nguyên liệu và nhu cầu ở Mỹ, sau đó đã bê nguyên si cái mới đó về lại cố quận, từ cách nấu cho đến cách điều hành đều theo phong cách Mỹ và rất được người Sài Gòn chiếu cố. Có người gọi đó là món phở, tuy nhiên với những thực khách trung thành của món phở Bắc thì họ chỉ gọi đó là phở của Việt Kiều Mỹ chứ không thể là món phở Bắc điệu đà của Hà Nội xưa.

CÁC LOẠI THỨC ĂN, THỨC UỐNG NỔI TIẾNG TẠI ÁI NHĨ LAN
Du khách đến Ireland cần phải thử các món hải sản như cá nướng, mực nướng, lobster và cua. Thịt cừu và thịt bò nuôi thả, ăn cỏ cũng luôn là những món đặc sản ở đây. Thịt heo và thịt gà không phải đặc s ả n, có vẻ hiếm, không phải nhà hàng nào cũng có. Về thức uống có thể kể là bia Guiness, Beamish và Murphy’s, rượu Mead và Irish coffee... Rượu Mead là một loại rượu làm bằng mật chưng cất (honey wine) khá ngọt. Tại Canada có thể tìm thấy ở các nơi bán rượu, nhưng cũng rất hiếm và không phải tiệm nào cũng có. Irish coffee được pha chế bao gồm café đen, đường cát, rượu whisky và whipped cream. Với người Ái Nhĩ Lan, khi pha một ly Irish Coffee thì liều lượng có thể thay đổi tùy theo sở thích của mỗi người. Rượu whisky, đường và café đen được quậy đều với nhau, sau cùng cho whipped cream lên mặt. Vị cay của rượu, đắng và nóng của café, ngọt của đường, béo của whipped cream sẽ cho chúng ta một cảm giác lạ và rất ngon trên đầu lưỡi. Khi Irish Coffee qua đến các quán bar sang trọng và kiểu cách bên Pháp, ly café đơn giản sẽ biến tấu thành ly café có ba tầng với cách pha công phu và cầu kỳ hơn. Người Pháp cho rượu whisky bên dưới, café đen (đã hòa tan đường) thật nhẹ tay ở giữa. Giai đoạn này phải làm thật khéo để rượu và café không bị lẫn vào nhau, kế đó whipped cream ở trên mặt. Tại Canada và Mỹ, muốn uống một ly Irish coffee không khó, chúng ta có thể tìm thấy tại nhiều nhà hàng và quán bar do người Ái Nhĩ Lan làm chủ.


NHỮNG NGƯỜI ĐI TÌM NGUỒN CỘI
Như tôi đã trình bày ở trên, có trên hai triệu người rời khỏi đảo quốc vào giữa thế kỷ XIX và họ đến nhiều nơi trên thế giới. Con số này không dừng lại bởi vì đợt người đi trước đến những vùng đất mới kiếm được tiền, lại tiếp tục gởi về quê nhà cho thân nhân gia đình qua đoàn tụ. Các thống kê về người Ái Nhĩ Lan sống ở hải ngoại hiện nay có thể trên 100 triệu và nhiều gấp 15 lần dân số đang sống trên đảo quốc hiện nay. Những người có nguồn gốc Irish từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan, Anh.... đến Ái Nhĩ Lan không chỉ để du lịch. Rất đông trong họ làm những chuyến trở về nguồn cội, tìm về nơi xuất xứ của ông bà, tổ tiên họ. Tôi thấy trong thư viện, ngoài đường, trong các tiệm sách, tại các văn phòng bán vé du lịch hay có những tấm bảng hướng dẫn, nếu muốn truy tìm nguồn gốc thì phải làm sao. Theo nội dung hướng dẫn thì đa số cho kết quả khả quan và không khó khăn gì cho lắm, mặc dù hơn trăm năm trước, có những con người bỏ xứ, xuống tàu vượt đại dương chỉ với hai bàn tay trắng. Tìm hiểu kỹ thêm về điều này, tôi được giải thích, bởi vì hầu hết người dân trên đảo đều được làm lễ rửa tội, có hồ sơ được lưu lại cẩn thận tại các nhà thờ. Ái Nhĩ Lan lại không bị chiến tranh tàn phá, cho nên các tập hồ sơ của các nhà thờ đều được bảo quản trọn vẹn hàng trăm năm. Ngày nay, những hồ sơ ấy đều đã được chuyển qua kho lưu trữ với hệ thống điện toán do chính phủ thực hiện, nhằm giúp những người có nguồn gốc Irish sống tại hải ngoại có thể truy tìm về quê quán của tổ tiên năm xưa... Một lần tôi đi trên một chiếc xe xuyên qua những sườn núi cỏ xanh, khi xe dừng cheo leo trên một sườn núi, bước ra khỏi xe tôi thấy có duy nhất một bà già ngồi bán những món thủ công mỹ nghệ được làm từ cỏ khô, da thú, đá thô và gỗ khắc là những thứ có sẵn, được làm ra từ môi trường thiên nhiên địa phương. Khi tôi đang đứng lựa một sợi dây bện bằng cỏ khô thì cô bé người Úc đi cùng xe với tôi cũng đang nói chuyện với bà. Cô ấy hỏi một câu mà tôi bỗng mủi lòng: “Bà ơi, họ của con là Kane, bà biết con phải đi tìm nguồn gốc ở đâu không, họ này bà nghe có quen thuộc không?” Bà cụ già, da nhăn, tóc bạc phơ, quanh năm chỉ sống trên triền núi hẻo lánh cùng cây cỏ và đàn cừu chắc không biết được nhiều thông tin của thế giới điện tử, tôi thấy bà lắc đầu nhưng chỉ tay về phía biển, về phía thành phố bên dưới chân núi....Khuôn mặt cô bé vẫn buồn buồn. Lên xe, tôi đã chia xẻ cho cô bé những thông tin giúp truy tìm tổ tiên Irish của cô mà tôi đã ghi lại được trong những ngày qua. Cô bé ấy có cặp mắt tròn ngây thơ, dường như còn trong độ tuổi học sinh trung học và cô ta đi một mình.

Nước Mỹ có một vị tổng thống đã xác định rất rõ và biết đích xác nguồn gốc Ái Nhĩ Lan của mình là tổng thống John Fitzgerald Kennedy. Ông là thế hệ thứ tư tại Hoa Kỳ. Cụ cố nội của ông là người Irish di dân. Năm 1963, trước khi bị ám sát, tổng thống Kennedy đã làm một chuyến công du Ireland, trở về thăm nơi xuất phát của giòng họ Kennedy tại Ireland và đến thăm quê nhà là thị trấn Dungunstown, thuộc địa hạt Wexford, cách thủ đô Dublin khoảng 140 km (khoảng 87 miles). Hiện nay tại thị trấn này có tượng đài tưởng niệm, công viên mang tên vị tổng thống Mỹ và cả ngôi nhà của gia tiên ông đã từng sống trước khi bỏ xứ ra đi tha phương cầu thực tại Boston, Massachusettes, Hoa Kỳ. Khi tìm hiểu về nguồn gốc của dòng họ Kennedy, tôi có đọc được những tài liệu cho biết đệ nhất phu nhân Jacquelines Kennedy cũng có dòng máu Irish, thậm chí còn “rặc” hơn chồng, nhưng chính bà lại không bao giờ muốn nhắc đến. Theo đó, giòng họ bà Jacqueline chỉ có cụ cố nội là một di dân Pháp đến Mỹ (họ Bouvier). Bên ngoại của bà thuần túy gốc Ái Nhĩ Lan, nhưng họ đã không muốn nhắc đến dòng máu Irish nữa, nhất là mẹ bà đã công khai phủ nhận. Jacqueline Kennedy đã luôn tự hào về sự liên quan huyết thống với hoàng tộc Pháp qua họ nội, và hãnh diện về gia đình bên ngoại (họ Lee) mà bà được mẹ dạy từ bé là có nguồn gốc từ Anh, giàu có và học thức tại Mỹ. Một điều lý giải có thể hiểu được là cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người gốc Irish ở Mỹ đã bị kỳ thị nặng nề. Trên các tấm bảng mướn người của các cửa tiệm luôn có thêm hàng chữ: “không nhận người Ái Nhĩ Lan”, trên các phương tiện truyền thông, người Irish bị tấn công và sỉ nhục nặng nề, bên ngoài xã hội, họ vẫn thường bị những người quá khích hành hung, đánh đập...và đây có lẽ cũng là một trong những lý do gia đình bà Jacqueline muốn phủ nhận nguồn gốc để con cái bước lên một giai cấp cao hơn, an toàn hơn trong một xã hội mang đầy những thành kiến và phân chia giai cấp nặng nề thời ấy tại nước Mỹ...
KẾT THÚC CHUYẾN ĐI
Ở đây gần ba tuần, đất nước và con người nơi đảo quốc này thật dễ thương, hiền lành, lịch sự. Tôi cố gắng viết lại những gì đã mắt thấy, tai nghe, tận mắt đọc tài liệu. Những cảm nhận và kinh nghiệm của tôi hoàn toàn mang tính cách cá nhân, được viết lại trong tinh thần tự do ngôn luận và không bị ràng buộc hay “định hướng” theo bất cứ quan điểm nào của ai. Tại Ireland, tôi đã mua được nhiều sách và hàng hóa rẻ như các sản phẩm về len, thức ăn cũng rất rẻ. Tôi không hề bị làm tiền bởi người dân địa phương. Chính phủ mời du khách vào các viện bảo tàng miễn phí, Ái Nhĩ Lan là nơi duy nhất ở Châu Âu mà tôi thấy tour guide không hề mở miệng ấn định và yêu cầu tiền tips, và kỷ niệm vui với ly Irish Coffee thơm ngon mà anh chàng bartender lén mẹ pha cho tôi không lấy tiền.... Do đó, khi trở về Canada, tôi ngần ngừ cầm trên tay tờ phiếu Tax Free, một loại đơn dành cho du khách có thể đòi lại tiền thuế mua hàng và tôi đã quyết định không gởi đi. Người Ái Nhĩ Lan từng bị mất nước và bị tiêu hủy văn hóa nên họ rất yêu nước và yêu dân tộc. Họ đã từng là nạn nhân bị thống trị nên họ không kiêu căng, hống hách. Ở một vài phương diện, tôi, một người gốc Việt Nam, cảm thấy đồng cảm với họ. Ngày tôi rời đất nước Ái Nhĩ Lan, tôi chẳng có quà gì cho họ, thôi thì số tiền nhỏ đó, tiền miễn thuế mà lẽ ra tôi sẽ lấy về, xem như tôi tặng cho quốc gia Ái Nhĩ Lan để họ có thêm ngân sách mà duy trì một xã hội đắc nhân tâm như tôi đã thấy và đã được sống qua.

TÔN THẤT HÙNG, tháng 7 năm 2014

No comments:

Post a Comment