Friday, March 20, 2015
ĐI TÌM NGUỒN GỐC TÌNH SỬ ROMEO & JULIET
Nằm ngay trung tâm của miền bắc nước Ý, Verona là một thành phố cổ vẫn còn lưu lại khá nhiều những di tích lịch sử, từ thời cổ đại của đế chế Roman, cho đến thời trung cổ và cận đại. Ngày nay, du khách đến đây sẽ thấy các công trình kiến trúc một thời vang bóng như vận động trường, cổ thành, các nhà thờ và những con phố xưa được xây bằng đá từ nhiều thế kỷ... Tuy nhiên, Verona cũng chỉ là một thành phố nhỏ của Ý, chứ không phải nổi tiếng về kiến trúc như Florence, không tôn nghiêm như Rome, không phải là trung tâm thời trang của thế giới như Milan, phong cảnh không hữu tình như Sorrento, không ăn chơi trụy lạc - khét tiếng như Naples... Điểm đặc biệt của thành phố nhỏ xinh này chính là nguồn gốc của câu chuyện tình diễm lệ nổi tiếng nhất thế giới: Romeo và Juliet. Hàng ngày, luôn có hàng ngàn xe hơi của các gia đình, hàng trăm xe tour bus đổ khách về đây chỉ để được viếng thăm căn nhà và ngôi mộ của Juilet. Số lượng du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về rất đông đã đưa thành phố này trở thành một địa điểm du lịch quan trọng, đông du khách vào hàng bậc nhất ở miền Bắc nước Ý.
TÓM TẮT CÂU CHUYỆN TÌNH DIỄM LỆ
Tương truyền trong thời Trung Cổ, khoảng thế kỷ XIII, không xác định được năm tháng, tại Verona có hai dòng họ rất giàu có, sang trọng, vô cùng có thế lực tại địa phương, nhưng họ lại là thù địch của nhau. Chàng trai tuấn tú Romeo và tiểu thơ Juliet xinh đẹp được sinh ra từ hai gia đình ấy. Khi đến tuổi cặp kê, họ tình cờ gặp nhau trong một lễ hội hóa trang và đã yêu nhau. Biết rằng sẽ không bao giờ được gia đình hai bên công nhận và cho phép thành hôn, sau một thời gian yêu nhau đắm đuối, đôi tình nhân trẻ đã tìm đến một vị linh mục xin nhận phép hôn phối một cách bí mật.... Đêm đêm, bất chấp sự nguy hiểm của tính mạng nếu bị phát giác, chàng trai si tình Romeo lại trèo lên balcony nơi căn phòng của Juliet để gặp người yêu. Cũng trong thời gian ấy, sự thù địch của hai gia đình vẫn mỗi ngày mỗi tiếp diễn, mâu thuẩn dường như không chịu dừng lại. Trong một lần xung đột lẫn nhau bằng gươm đao (là những vũ khí luôn mang bên mình của quý ông thời trung cổ như một vật trang sức), Romeo đã lỡ tay giết chết một người bên gia đình Juliet, nên chàng trai phải bỏ trốn. Chẳng bao lâu sau, không hề biết rằng đôi tình nhân đã từng có một phép hôm phối được cử hành trước đó, giòng họ Capulet đã chuẩn bị cho Juliet một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối có gốc hoàng gia. Juliet quá hoảng sợ, chạy đi tìm vị linh mục từng thực hiện phép hôn phối trước kia để cầu cứu. Vị linh mục này đã đưa cho Juliet một liều thuốc ngủ cực mạnh, dặn cô uống vào có thể chìm vào giấc ngủ sâu như chết, điều này sẽ ngăn không cho gia đình cử hành hôn lễ như họ dự tính. Khi gia đình tưởng Juliet đã chết, họ sẽ tổ chức đám ma, đưa xác cô vào nhà mồ. Trong khi ấy, linh mục sẽ tìm cách báo tin cho Romeo đến nhà xác, đưa nàng đi trốn. Mọi chuyện ban đầu đã diễn ra theo như dự tính, nàng tiểu thơ Juliet xinh đẹp đột ngột qua đời trước ngày cưới gây bàng hoàng cho tất cả. Đám tang của nàng được cử hành rất lớn, sau đó Juliet được đưa vào nằm trong nhà mồ đá của giòng họ..... Còn nói về lá thư của vị linh mục báo tin cùng giải thích sự việc cho Romeo lại không bao giờ đến được tay anh ta. Từ một nơi xa, Romeo chỉ biết rằng người yêu đã chết, trong đớn đau tột cùng, anh tức tốc trở về Verona, tìm cách lẻn vào nhà mồ với ý định sẽ quyên sinh chết cùng người yêu. Họ sống không được gần nhau thì khi chết, chàng trai muốn họ phải có nhau mãi mãi. Khi Romeo vào được bên trong nhà mồ, anh gào khóc bên xác bất động của người yêu. Kế đó, anh lôi ra lọ độc dược cất sẵn bên người. Chàng trai si tình, đau khổ nốc chưa cạn hết liều thuốc độc cực mạnh đã đổ gục ngay xuống bên xác người yêu... Oái ăm thay, ngay khi ấy Juliet đang từ từ tỉnh dậy. Nhìn xác người yêu, nhìn chai thuốc độc, cô đã hiểu ra hết câu chuyện, rằng đã có một sự hiểu lầm ghê gớm ở đây. Cũng như Romeo, đối với Juliet, mất người yêu là mất tất cả, trong cơn tuyệt vọng, nàng tiểu thơ đã kề miệng uống hết phần độc dược còn sót lại trong lọ rồi đổ gục xuống, cùng chết bên người yêu. Thân xác họ quấn lấy nhau như lời thề ước. Đôi tình nhân trẻ trước đây chỉ đến được với nhau trong lén lút thì nay họ đã được nằm cùng nhau trong một nhà mồ.... Vài hôm sau, gia đình Juliet mở cửa nhà mồ để tiến hành kế tiếp những nghi thức chôn cất. Họ phát giác ra cặp tình nhân Romeo – Juliet nằm chết bên nhau. Theo câu chuyện thì gia đình Romeo đã đến đưa xác anh về chôn cất. Chính vì hai cái chết quá đau thương và thảm thiết này, hai gia đình giàu có và thế lực đã xóa bỏ tất cả những thù hằn mà họ từng có trước đây...
XUẤT XỨ CỦA CÂU CHUYỆN TÌNH CẢM ĐỘNG VÀ NỔI TIẾNG NHẤT THẾ GIỚI
Đây là câu chuyện dân gian truyền miệng của xứ Ý Đại Lợi trong thời Trung Cổ. Có ít nhất ba nhà văn đã ghi chép lại qua các cuốn sách của họ về câu chuyện tình, có thể kể là The Newly Discovered Tale of Two Young Lovers and of Their Pitiful Death at the Time of Bartolomeo della Scala, do nhà văn Luigi Da Porto viết, xuất bản năm 1531; rồi The Tragical History of Romeus and Julliet của ông Arthur Brooke, xuất bản năm 1562, và Palace of Pleasure của ông William Painter năm 1567.
Tuy nhiên khi câu truyện dân gian được đại thi hào William Shakespeare là người Anh, biên soạn thành vở kịch, trình diễn trên sân khấu đã trở nên vô cùng nổi tiếng sau đó. Năm 1595-1596 vở kịch Romeo & Juliet lần đầu tiên được trình diễn cho hoàng gia Anh Quốc và nữ hoàng Elizabeth I xem. Cuốn sách dưới ngòi bút của đại thi hào Shakespear có tựa đề The Most Excellent and Lamentable Tragedie of Romeo and Juliet lần đầu tiên xuất bản năm 1599. Tác phẩm sau đó có sửa đổi và hoàn thiện, phát hành lần thứ hai vào năm 1623. Đây là phiên bản mà ngày nay các học sinh được học trong các trường trung học, sinh viên các ngành kịch nghệ nghiên cứu để lên giảng đường và là phiên bản chính thức được xử dụng trong ngành văn chương, giáo dục, và văn hóa của nhiều quốc gia. Thi hào William Shakespeare chưa bao giờ đặt chân đến Verona của Ý Đại Lợi, nhưng ông đã dựa vào các tác phẩm văn xuôi để viết nên kịch bản dành cho sân khấu. Ông cũng đưa thêm vào những tình tiết lâm ly cùng nhiều vai phụ khác nhau ... Khi vở kịch trở nên nổi tiếng khắp thế giới thì câu chuyện mới thực sự trở thành huyền thoại của tình yêu bất diệt, được những kẻ yêu nhau đón nhận trong đồng cảm và nước mắt. Câu chuyện có nguồn gốc, xuất xứ từ Verona, không mấy nổi tiếng, nhưng qua ngòi bút của thi hào Shakespear, kịch bản trở nên nổi tiếng vang dội, đã chu du khắp thế giới , cuối cùng trở ngược về nổi đình nổi đám muộn màng ngay tại chính nơi xuất phát. Nhiều cuốn sách, nhiều kịch bản khác đã được viết thêm bởi các nhà văn khác sau đó. Họ cho thêm nhiều tình tiết khác nhau, thậm chí có dị bản còn cho câu chuyện lùi xa vào thời La Mã Cổ Đại chứ không phải thời Trung Cổ.
ROMEO VÀ JULIET TRONG ĐIỆN ẢNH
Trong thế kỷ XX, khi ngành điện ảnh cùng màn hình đại vĩ tuyến hoàn thiện và phát triển, nhiều hãng phim đã cho ra đời những tác phẩm điện ảnh khai thác câu chuyện tình Romeo và Juliet, họ đã thu về những món tiền khổng lồ. Nổi bật hơn cả với mọi thời đại có lẽ vẫn là cuốn phim của đạo diễn Franco Zeffirelli, hai tài tử Leonard Whiting và Olivia Hussey diễn xuất, trình chiếu vào năm 1968. Ngày tôi còn bé ở Sài Gòn, đi học lớp năng khiếu về vẽ truyền thần, các học viên đều phải vẽ chân dung hai tài tử này trong chủ đề tình yêu. Ở các phòng tranh thương mại của các họa sĩ chuyên nghiệp luôn luôn phải có một hai bức tranh về Romeo và Juliet, cũng với khuôn mặt của hai tài tử này.... Sau này lớn lên, có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, tôi thấy đúng là bộ phim về Romeo và Juliet, thực hiện năm 1968 ấy là một tác phẩm để đời. Ngay cả những đạo cụ, áo quần của bộ phim cũng được đưa về triễn lãm tại viện bảo tang, bên trong căn nhà của Juliet. Đâu đâu cũng thấy hình ảnh, DVD của bộ phim ra đời đã gần 50 trước. Không chỉ tại Verona mà từ các nhà sách lớn tại các thành phố trên thế giới, từ rạp Royal Shakespear Company tại quê hương của thi hào Shakespear (Stratford – Anh Quốc) cho đến các quầy tranh của các họa sĩ dọc theo các khu phố du lịch ở khắp Châu Âu, Á Châu, Mỹ Châu... Những bộ phim Hollywood sản xuất gần đây, cũng về câu chuyện tình Romeo và Juliet, tuy tiêu tốn hàng chục triệu Mỹ Kim, tuy thành công về thương mại, nhưng dường như vẫn không thể ăn sâu vào tâm trí của những người yêu nhau như phiên bản của cuộc tình sử đã trình làng vào năm 1968.
THĂM CĂN NHÀ CỦA JULIET
Ngày nay, tại thành phố Verona có sự tranh cãi, bất đồng quan điểm giữa dân chúng và chính quyền thành phố về nguồn gốc câu chuyện, về các di tích lịch sử liên quan đến câu chuyện tình Romeo và Juliet. Với dân chúng (đa số là giáo dân ngoan đạo) thì họ chỉ muốn đó mãi là một câu chuyện cổ tích. Người dân không muốn chấp nhận có sự can thiệp của một vị linh mục vào câu chuyện tình. Những chi tiết như linh mục đã thực hiện phép hôn phối lén lút cho đôi tình nhân, hoặc sự dàn xếp để Juliet giả chết để rồi dẫn đến kết thúc đau thương. Ngoài ra, những con chiên ngoan đạo, hiền lành đã phê phán câu chuyện chỉ là một vở tuồng sân khấu, đã được khai thác quá nhiều chi tiết bạo lực như tự do giết nhau bằng gươm kiếm mà không hề có sự can thiệp của triều đình, vốn đã rất chặt chẽ, quy cũ trong thời Trung Cổ tại Ý Đại Lợi. Vấn đề tự tử là một điều răn cấm trong kinh thánh, nhưng ở đây đã được thi vị và lãng mạn hóa, gây ngộ nhận cho giới trẻ. Những vị cao niên lớn tuổi càng không thể chấp nhận chi tiết một vị linh mục lại đứng ra dàn xếp để đôi tình nhân qua mặt cả hai gia đình và xã hội.
Ngay trong giới sử gia cũng đã có hai quan điểm đối nghịch. Một bên cho biết đã không hề có chứng cứ nào cho thấy thành phố Verona từng có giòng họ Capulet sinh sống trong thế kỷ XIII. Một bên thì có lợi thế hơn vì đứng về phía chính quyền thành phố Verona, họ đã thực hiện những cuộc nghiên cứu lịch sử khá công phu, chứng minh câu chuyện là có thật với cả hai dòng họ Capulet (gia đình Juliet) và Montague (gia đình Romeo) từng có mặt tại Verona trong thời Trung Cổ. Chính quyền cùng các nhà sử học này cho biết đã tìm ra hậu duệ của gia đình Capulet tại đây cùng với dãy phố, nơi con cháu của họ từng sống qua nhiều thế kỷ. Khi tìm ra và xác định được vị trí dãy phố, kiến trúc của nơi này đã thay đổi, khác xa với kiến trúc cũ thời Trung Cổ rất nhiều. Cuối thế kỷ XIX, chính quyền thành phố Verona (thuộc phe tin huyền thoại có thật) đã mua lại một phần đẹp nhất của dãy phố, đồng thời cho trùng tu lại đúng với kiến trúc xưa thời Trung Cổ - khi câu chuyện tình đầy nước mắt xảy ra. Người ta cũng không thể xác định được căn phòng nào mới thật sự là phòng ngủ có balcony của nàng tiểu thơ Juliet. Dựa vào các bản cổ văn xuôi cũng như kịch bản sân khấu, các nhà nghiên cứu sử học tạm chọn một căn phòng được xem là phù hợp với câu chuyện nhất để xây lại balcony theo đúng kiến trúc Gothic thời ấy. Trang trí bên trong căn nhà đều là phỏng đoán theo lịch sử, qua sách vở và kịch bản. Hiện nay, căn nhà mở cửa đón hàng ngàn du khách mỗi ngày, sáu ngày trong tuần, từ 8 giờ sáng đến 7 giờ chiều và đóng cửa ngày thứ hai.
Một chuyện vui cũng nên nhắc lại về bức tượng đồng của Juliet được đặc bên ngoài căn nhà. Không biết từ đâu và tại sao mà hàng ngàn du khách khi đến đây xếp hàng chụp hình, ai nấy cũng đều đặt tay lên bộ ngực no tròn của bức tượng đồng và chụp hình, họ bảo đó là “lấy hên”. Tới phiên tôi, tôi nhất định không làm vậy mà chỉ đứng cười toe toét. Hơn 50 bạn đồng hành đồng loại la to "touch it, Hùng" (sờ đi chứ, Hùng ơi), tôi cũng hét lại thật to "No, I can't, she is only thirteen" (Không được đâu, cô ta mới có 13 tuổi thôi mà)...Mọi người đã cười ngã nghiên... Vậy mà sau đó, có một cô đến bắt chuyện với tôi, cô tự giới thiệu là giáo viên tại Mỹ. Cô ấy nói đã cảm động với câu nói của tôi, cô bảo tôi đã gởi một lời nhắn nhủ, tuy vui, nhẹ nhàng nhưng cũng là một nhắc nhớ đến cho mọi người có mặt tại đó - rằng trẻ em dưới tuổi vị thành niên cần được bảo vệ khỏi những xâm phạm, nhất là xâm phạm tình dục.
NHÀ MỒ CHÔN JULIET
Cũng theo các cuộc nghiên cứu, khảo sát lịch sử do chính quyền thành phố và những nhà sử học thực hiện, họ đã kết luận ngôi giáo đường San Francesco al Corso ngày nay đã từng có một căn nhà mồ dành cho những quý tộc tại Verona trong thời Trung Cổ. Các nghiên cứu cũng cùng đồng ý rằng chiếc hòm đá ấy chính là hòm của Juliet. Trước khi thi thể được đưa vào hòm, Juliet được đặt nằm bên trên một phiến đá (phiến đá này hiện giờ đã mất), là nơi đôi tình nhân cùng nằm chết trước khi các tập tục tẩm liệm được thực hiện. Ngôi giáo đường này hiện giờ được xử dụng như một viện bảo tàng của thành phố. Mái vòm bên trên đã hư đổ theo thời gian. Một phần cũng vì trong nhiều thế kỷ, nhiều cặp tình nhân đến đây đục đẽo, gỡ lấy đá đem về làm kỷ niệm. Vào năm 1868, chiếc hòm bằng đá cẩm thạch ấy đã được dời vào một vị trí bên trong của tòa nhà, mái vòm được xây lại để bảo vệ, và đây không phải là vị trí nguyên thủy của căn nhà mồ. Nhiều kiến trúc nguyên thủy khác bên trong ngôi giáo đường cũng đã bị hư hại vì bom đạn trong chiến tranh thế giới thứ II vào năm 1944-1945. Tòa nhà đã chính thức trở thành một viện bảo tàng, mở cửa cho du khách vào xem từ năm 1970. Ngày nay vào đây, du khách không những chỉ được thăm căn nhà mồ của Juliet mà còn được chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật của những nghệ sĩ tại thành phố Verona từ thế kỷ XI cho đến cận đại.
CĂN NHÀ NƠI ROMEO TỪNG SINH SỐNG
Thật không công bằng nếu tôi bỏ qua, không đề cập đến căn nhà nơi Romeo từng sinh sống tại Verona. Đây là căn nhà cổ có kiến trúc đặc thù của thời trung cổ, nếu đi bộ từ căn nhà của gia đình nàng Juliet đến đây khoảng 20 phút. Trong khi có sự tranh cãi giữa các sử gia, dân chúng về sự hiện hữu có hay không của giòng họ gia đình Capulet và cô con gái Juliet ở Verona, thì không ai có thể phủ nhận sự có mặt của giòng họ Montague tại đây trong nhiều thế kỷ trước. Những ai tin rằng huyền thoại là có thật thì cũng tin rằng đây là căn nhà Romeo đã từng sống trong thời niên thiếu. Hội đồng thành phố Verona từng muốn mua lại căn nhà này để làm viện bảo tàng Shakespear, tuy nhiên sự mua bán đã không thực hiện được vì không có sự đồng thuận của tất cả những người cùng thừa hưởng tài sản, dự án cũng không được Bộ Giáo Dục đồng ý chấp thuận. Ngày nay, căn nhà này vẫn do tư nhân sở hữu, có người sinh sống bên trong. Du khách đến thăm chỉ có thể đứng nhìn và chụp hình từ bên ngoài mà thôi.
CHO DÙ CÓ NHIỀU TRANH CÃI VỀ NGUỒN GỐC CÂU CHUYỆN, DU KHÁCH VẪN NƯỜM NƯỢP ĐỔ VỀ
Nước Ý Đại Lợi là một trong những quốc gia có lượng khách du lịch đến thăm nhiều nhất ở Châu Âu (chỉ đứng sau nước Pháp), nhờ vào những danh lam, thắng cảnh, những di tích về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, những câu chuyện cổ tích huyền thoại xưa... Trong nhiều thế kỷ qua, thành phố Verona vẫn luôn có những tranh cãi về câu chuyện tình Romeo và Juliet, người tin, kẻ không tin. Và cho dù đó là một câu chuyện cổ tích, một huyền thoại hay câu chuyện là có thật trong lịch sử, du khách vẫn cứ nườm nượp đổ về đây mỗi ngày. Ngành du lịch và phố xá cũng nhờ du khách mà trở nên sầm uất với các cửa tiệm thời trang sang trọng, khu phố cổ với các tiệm bán hàng lưu niệm, những nhà hàng từ sang trọng cho đến bình dân, rồi hệ thống khách sạn, nhà trọ, các rạp hát trình diễn nghệ thuật luôn sáng đèn hàng đêm, các viện bảo tàng luôn đầy du khách vào thăm viếng, hàng ngàn cuốn sách và các họa phẩm in ấn về Romeo và Juliet được bán chạy như tôm tươi trong từng phút giây, đài phát thanh địa phương còn có cả một mục gỡ rối tơ lòng và thư gởi cho Juliet mà thính giả là những cô cậu choai choai vừa mới biết yêu .... Nếu không có hai nhân vật Romeo và Juliet thì sinh hoạt văn hóa và kinh tế của Verona đã không phồn thịnh được như ngày nay. Ngay cả những người không tin rằng Romeo và Juliet là những nhân vật có thật trong lịch sử, thì họ cũng vẫn đang sinh nhai và hưởng lợi từ câu chuyện tình lãng mạn này....
TÔN THẤT HÙNG
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment