Thursday, May 21, 2015

Duyên người răng đen


Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Trăm quan mua lấy miệng cười

Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen
Răng đen ai nhuộm cho mình
Để duyên mình đẹp, cho tình anh yêu


Phong tục nhuộm răng của Việt Nam hiện hữu từ rất lâu, từ thời thượng cổ đã có và chỉ mai một vào khoảng cuối thế kỷ 19 khi văn minh Tây phương du nhập vào văn hoá phong tục của nước nhà. Lệ thần Trần Trọng Kim đã mô tả nhân dáng diện mạo tổng quát về người Việt trong cuốn Việt Nam Sử Lược như sau:

"Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn lẳn con người, chứ không to béo. Mặt thì xương xương, trông hơi bèn bẹt, trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng điệu đi đứng thì nhẹ nhàng và xem ra bộ vững vàng chắc chắn."

Theo đoạn trên thì răng của người Việt vốn to (nhưng vẫn còn nhỏ so với các sắc dân khác) lại hay nhuộm đen. Trần Trọng Kim không giải thích tại sao người Việt xưa lại có tập tục nhuộm cho răng đen nhưng chúng ta cũng có thể hiểu tập tục đó không ngoài mục đích làm đẹp, thẩm mỹ.

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua


Cũng giống như tục xâm mình, đeo khoen tai hoặc sơn móng của ngày nay. Ngày xưa thay vì lấy sơn phết lên răng cho có màu xanh vàng tím đỏ như các bà các cô sơn lên móng tay móng chân thì người ta dùng một hỗn hợp bột cánh kiến (chất nhựa bám trên cây), nước cốt chanh và lá cau để nhuộm cho răng đen lánh. Khi mở miệng nhoẻn cười tươi thì người đối diện cảm thấy đáng yêu, duyên dáng. Còn con thít thì khóc thét lên vì tưởng người nhuộm răng không còn hàm răng vì trong miệng tối thui, răng môi miệng lưỡi hoà quyện với nhau trong một màu không phân biệt được.

Học giả Phan Kế Bính đã đặt câu hỏi về tục nhuộm răng trong tập sách "Việt Nam Phong Tục", đăng báo lần đầu tiên năm 1914 như sau:

"Sự đẹp xấu ở trong hàm răng, cũng tùy theo cái mắt quen nhìn, dẫu trắng dẫu đen, không hề chi cả. Duy một điều, chất nó trắng, cứ theo tính tự nhiên mà để trắng cũng được, hà tất phải sinh sự lôi thôi cho khó nhọc?

Có người nói rằng: nhuộm răng không cốt gì làm cho đẹp, nhưng cốt để cho khỏi sâu răng, cho được chắc chắn chân răng. Nói vậy vị tất đã phải, vì chán người nhuộm răng mà vẫn sâu răng. Muốn cho khỏi sâu thì chi bằng mỗi bữa ăn xong, phải xỉa cho sạch, hoặc chải cho kỹ, đừng để đồ ăn giắt vào chân răng thì không bao giờ sâu được.

Song tục quen đã lâu, đàn ông trắng răng thì chẳng sao, chớ đàn bà nhà tử tế bây giờ mà trắng răng thì coi cũng ngộ một đôi chút. Nhưng lâu dần cũng phải quen mắt, có lẽ quen mắt rồi thì trắng lại đẹp hơn đen nhiều."

Nhác trông thấy bóng một người
Răng đen nhưng nhức, miệng cười như hoa
Hai bên còn cả mẹ cha
Có ai gánh đỡ hay là còn không?
Đây còn không, đấy cũng còn không
Đây chưa có chồng, đấy chửa lấy ai


Để ôn cố tri tân cho cái tập tục lỗi thời đã từng là thời trang của một thuở yêu người. Mời các bạn đọc lại cách nhuộm răng của người xưa do Phan Kế Bính chép lại. Xin chú ý ngày nay để bảo đảm an toàn vệ sinh sức khoẻ, các bạn chỉ nên gặp nha sĩ khi muốn có hàm răng đẹp, trồng răng, nhổ răng, trám răng, niềng răng, hút mỡ răng...í lộn hút chân răng.

"Con trai con gái chừng mười tuổi trở lên, rụng hết một lượt răng sữa, mọc đủ răng khác rồi thì nhuộm răng. Cách nhuộm răng trước hết dùng cánh kiến tán cho nhỏ, vắt nước chanh để kín bảy ngày, rồi chờ tối đi ngủ thì phết thuốc ấy vào hai mảnh lá dừa hoặc lá cau mà ấp vào hai hàm răng. Trong khi nhuộm phải kiêng nhai, ăn cái gì phải nuốt, vì sợ nhai thì nó lại phai thuốc ra. Nhuộm như thế độ dăm bảy hôm, cho răng đỏ già ra mùi cánh gián, thì bôi thuốc răng đen mà nhuộm.

Thuốc răng đen làm bằn phèn đen trộn với cánh kiến, nhuộm một hai miếng là đen kịt lại, đoạn lấy cái sọ dừa để lên con dao mà đốt cho chảy nhựa ra, rồi lấy nhựa ấy phết vào răng cho không phai ra được nữa, gọi là giết răng, từ đó ăn không phải kiêng nhai nữa.

Đàn ông nhuộm một hai lần thì thôi, đàn bà thường mỗi năm một lần nhuộm; vì đàn bà lấy răn đen nhánh làm đẹp cho nên có người nhuộm mãi đến ngoài ba mươi tuổi mới thôi"


Đắc Xuyên Gia Khang FB

No comments:

Post a Comment